|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đàm phán trần nợ có tiến triển, ông Biden huỷ chuyến thăm Australia để tập trung dàn xếp thoả thuận

07:48 | 17/05/2023
Chia sẻ
Tại cuộc họp mới nhất vào ngày 16/5, Tổng thống Joe Biden và các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà vẫn còn bất đồng nhiều điểm xoay quanh vấn đề trần nợ. Trong khi ông Biden bày tỏ tâm lý lạc quan, phe Cộng hoà cảnh báo vẫn còn nhiều trở ngại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái). (Ảnh: Salon/Getty Images).

Hôm 16/5, sau cuộc họp kéo dài một giờ với sự tham gia của 4 nhà lãnh đạo hàng đầu Quốc hội, Tổng thống Joe Biden và các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà vẫn chưa thể đạt được thoả thuận về trần nợ công do còn bất đồng nhiều vấn đề.

Song, các bên cho biết họ đã đạt được một số tiến bộ, bao gồm việc thông qua một thoả thuận biến các cuộc đàm phán đa phương thành các cuộc thảo luận trực tiếp 1:1 giữa một đồng minh thân cận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và hai cố vấn Nhà Trắng, thay mặt ông Biden.

Chia sẻ với các phóng viên sau cuộc họp, ông McCarthy bày tỏ: “Những tiến bộ mới đạt được không đồng nghĩa rằng chúng tôi sẽ chốt được một thoả thuận [để nâng trần nợ công]”. Tuy nhiên, ông vẫn lưu ý về một số tiến triển mới trong đàm phán.

Trong khi đó, ông Biden nói bản thân thường được giao nhiệm vụ giải quyết nhiều việc cùng lúc và ông tự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ tiến triển tốt ngay cả khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

“Hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi đã trao đổi với Chủ tịch Hạ viện và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác rằng chúng tôi sẽ thường xuyên thảo luận trong vài ngày tới và các cấp dưới sẽ tiếp tục họp hàng ngày để đảm bảo Mỹ không vỡ nợ”, ông Biden nhấn mạnh với truyền thông.

Nhà Trắng cho biết ông Biden “đã chỉ đạo các nhân viên tiếp tục họp hàng ngày về các vấn đề nổi cộm. Tổng thống Biden nói muốn trao đổi với các nhà lãnh đạo vào cuối tuần này qua điện thoại và gặp họ khi trở về từ nước ngoài”.

“Tôi nghĩ có một sự đồng thuận lớn trong cuộc họp hôm nay với các nhà lãnh đạo Quốc hội, là chúng tôi đều hiểu việc vỡ nợ không phải là một lựa chọn Mỹ nên đưa ra”, ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Ở chia sẻ khác, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết cuộc họp vừa qua “tốt và hiệu quả”. Theo ông, buổi họp diễn ra “thân mật hơn” so với cuộc đàm phán tuần trước.

“Phương án duy nhất là chúng tôi phải xúc tiến được một dự luật lưỡng đảng ở cả hai viện, khi đó Mỹ sẽ tránh được việc vỡ nợ”, CNBC dẫn lời ông Schumer (thuộc Đảng Dân chủ) cho hay.

 

 

Cũng trong ngày 16/5, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden sẽ huỷ bỏ chuyến công du thứ hai trong lịch trình công du quốc tế sắp tới nhằm ưu tiên đàm phán trần nợ công.

Ông Biden hiện dự kiến sẽ khởi hành tới Nhật Bản vào ngày 17/5 để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ông sẽ trở về Mỹ vào ngày 21/5 ngay sau khi cuộc họp kết thúc và không ghé thăm Papua New Guinea và Australia như kế hoạch ban đầu, nguồn tin thân cận của NBC News cho hay.

Giới chuyên gia cảnh báo, một vụ vỡ nợ kéo dài có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái sâu, kéo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đồng thời gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu vốn được xây dựng dựa trên trái phiếu Kho bạc.

Một số ước tính cho thấy 8 triệu việc làm có thể bị xóa sổ. Số khác dự báo lãi suất cho vay thế chấp bất động sản có thể tăng hơn 20% và nền kinh tế sẽ sụt giảm mạnh như trong cuộc suy thoái năm 2008. 

Tổng thống Biden đang kêu gọi các nhà lập pháp nâng trần nợ công mà không áp đặt các điều kiện đi kèm.

Ngược lại, ông McCarthy tuyên bố Hạ viện sẽ không thông qua bất kỳ thoả thuận nào mà không cắt giảm đáng kể chi tiêu của chính phủ để giải quyết thâm hụt ngân sách ngày càng phình to của Mỹ.

Các cuộc chiến trần nợ trong quá khứ thường kết thúc bằng một thoả thuận được dàn xếp vội vàng trong những giờ đàm phán cuối cùng, qua đó giúp Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ.

Năm 2011, cuộc chiến đã khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống còn AA+. Các nhà lập pháp từng tham gia cuộc chiến năm đó cảnh báo tình hình hiện tại rủi ro hơn vì sự chia rẽ chính trị đang ngày càng lớn.

Khả Nhân