|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Cà Mau đem hơn 10.500 tỷ đồng gửi ngân hàng

14:54 | 26/07/2023
Chia sẻ
Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau gần 15.600 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng lên tới hơn 10.500 tỷ đồng. Khoản tiền này đã đem về cho doanh nghiệp phân bón này 249 tỷ đồng lãi tiền gửi nửa đầu năm.

Báo cáo tài chính quý II/2023 của CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cho thấy doanh thu thuần đạt 3.291 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán bình quân phân ure giảm hơn 40%.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng hơn 6%. Biên lãi gộp suy giảm từ 32,9% về 11,2% quý này. Trừ đi các chi phí, Đạm Cà Mau lãi sau thuế 290 tỷ đồng, giảm 71% và thấp hơn so với con số 377 tỷ đồng ước tính trước đó.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của DCM.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đạt 6.026 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 520 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và giảm 80%. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau hai quý.

Xét về cơ cấu thị trường, trong nửa đầu năm nay, khoảng 68% lượng urê của Đạm Cà Mau là được tiêu thụ trong nước (tương đương 298.790 tấn); 32% còn lại đến từ thị trường xuất khẩu (tương đương 142.460 tấn).

Công ty cho biết giá phân bón đã giảm tại hầu hết các thị trường trong tháng 6/2023 do nhu cầu thấp cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào giảm. Cùng với xu hướng chung của thị trường thế giới, thị trường phân bón trong nước giao dịch trầm lắng và giá các loại phân bón trong nước đều giữ đà giảm.

Cụ thể, giá urê thế giới trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức 375 USD/tấn, giảm 64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn xác lập hồi tháng 4/2022, và giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 6, giá urê tại nhiều thị trường quan trọng trên thế giới đã có tín hiệu phục hồi nhẹ trở lại, tăng từ 10 - 29 USD/tấn. Bên cạnh tác động từ thị trường phân bón thế giới, giá các loại phân bón trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ trở lại từ cuối quý III đến đầu quý IV/2023 khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ, đặc biệt là vụ Đông và Chiêm Xuân tại phía Bắc.  

Nguồn: BCTC của DCM.

Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau gần 15.600 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, tương đương tăng khoảng 1.400 tỷ, chủ yếu đến từ khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Cuối quý, doanh nghiệp nắm 2.113 tỷ đồng tiền mặt và 10.510 tỷ đồng gửi ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi này đem về cho Đạm Cà Mau 249 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Các khoản phải thu gần 400 tỷ, tăng 13% trong khi đó hàng tồn kho 2.300 tỷ, gần như tương đương đầu năm.

Cuối tháng 6, Đạm Cà Mau ghi nhận 1.293 tỷ đồng dự phòng phải trả ngắn hạn, chủ yếu là dự phòng chi phí tiền khí, cao hơn đầu năm 90% và chiếm 29% tổng nợ phải trả của công ty.

Sở hữu nguồn tiền dồi dào, Đạm Cà Mau chỉ đi vay 305 tỷ đồng tại cuối tháng 6, trong khi đầu năm chỉ khoảng 3 tỷ, hầu hết là khoản vay kỳ hạn 2 tháng với Vietcombank để bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

Minh Hằng

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.