|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Cà Mau 9 tháng lãi 460 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kì 2019

20:03 | 28/10/2020
Chia sẻ
Kết quả quí III, DCM đem về 101 tỉ đồng lãi sau thuế công ty mẹ, gấp hơn 14 lần giá trị ghi nhận cùng kì năm ngoái.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Mã: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quí III, với doanh thu thuần đạt 2.018 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ bán thành phẩm Urê trong nước, chiếm khoản 82% cơ cấu doanh thu.

Lãi ròng quí III của Đạm Cà Mau gấp 14 lần cùng kì, vượt 8 lần kế hoạch năm - Ảnh 1.

Cơ cấu doanh thu trong quí III của DCM. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí II và quí III của doanh nghiệp).

Trong quí, giá vốn hàng bán của công ty ghi nhận 1.762 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kì, chủ yếu do giá vốn hàng bán urê tăng. Lợi nhuận gộp cải thiện ở mức 257 tỉ đồng, hơn gấp đôi giá trị cùng kì năm ngoái.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp lần lượt tăng 12 tỉ đồng và 32 tỉ đồng, tương ứng tăng 15% và 67% so với cùng kì.

Kết quả quí III, DCM đem về 101 tỉ đồng lãi sau thuế công ty mẹ, gấp hơn 14 lần giá trị ghi nhận cùng kì năm ngoái.

Lãi ròng quí III của Đạm Cà Mau gấp 14 lần cùng kì, vượt 8 lần kế hoạch năm - Ảnh 2.

(NguNguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quí III của DCM).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, DCM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 5.295 tỉ đồng và 460 tỉ đồng, lần lượt tăng 7% và 50% so với cùng kì năm ngoái. Thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quí gần nhất đạt 1.105 đồng.

Theo giải trình của lãnh đạo DCM, nguyên nhân lãi ròng công ty mẹ tăng do giá bán urê thương mại bình quân 9 tháng đầu năm 2020 giảm 12,7%; sản lượng bán tăng 35% do đẩy mạnh xuất khẩu khiến doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kì năm 2019.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng đến từ chi phí khí giảm làm cho giá thành giảm, sản lượng bán 9 tháng đầu năm khiến doanh thu tăng. Mức tăng của doanh thu nhiều hơn mức tăng của giá vốn hàng bán nên lợi nhuận của công ty tăng so với cùng kì.

Năm 2020, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% lên gần 8.000 tỉ đồng, kế hoạch lãi sau thuế giảm mạnh 88% còn 52 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 66% chỉ tiêu doanh thu và vượt 8 lần kế hoạch lợi nhuận sau thuế. 

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 9.236 tỉ đồng, giảm 936 tỉ đồng so với ghi nhận đầu năm. Tiền và các khoản tiền gửi có kì hạn trên 3 tháng là 2.376 tỉ đồng, giảm 97 tỉ đồng.

Đến ngày cuối tháng 9, tổng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho là 1.561 tỉ đồng, chiếm 17% cơ cấu tài sản.

Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 532 tỉ đồng, tăng 33%, trong đó 283 tỉ đồng phải thu phát sinh trong quí III từ công ty Swiss Singapore Overseas Enterprises. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng đã giảm từ 343 tỉ đồng ghi nhận hồi đầu năm xuống còn 208 tỉ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp được giữ ở mức 1.029 tỉ đồng, giảm 22% so với đầu năm.

Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã dành thêm 111 tỉ đồng để đầu tư vào nhà máy phân bón phức hợp từ urê nóng chảy và các hệ thống cải hoán trao đổi nhiệt, dự án bổ sung nguồn điện từ lưới điện quốc gia.

Về phía nguồn vốn, vốn góp chủ sở hữu là 6.510 tỉ đồng, chiếm 70% cơ cấu nguồn vốn, tăng 404 tỉ đồng so với hồi đầu năm chủ yếu đến từ tiền lãi trong năm.

Tại ngày cuối tháng 9, tổng nợ đi vay của Đạm Cà Mau là 977 tỉ đồng, chiếm 36% tổng nợ phải trả. Trong đó, công ty vay của nhóm cho vay nước ngoài để thanh toán chi phí đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau với số gốc vay là 220 triệu USD, tương đương hơn 5.060 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn vay 615 tỉ đồng từ Ngân hàng SHB trong 5 năm và vay trong 2 tháng số tiền 150 tỉ đồng từ ngân hàng Vietcombank,...

Chi phí phải trả ngắn hạn của công ty chỉ còn 99 tỉ đồng so với mức 794 tỉ đồng so với đầu năm, một phần do công ty đã trả 610 tỉ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Mã: PVN).

Mới đây, DCM đã ra quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 6% cho năm 2019. Ngày đăng kí cuối cùng là 29/10, thanh toán dự kiến vào ngày 23/11. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Đạm Cà Mau sẽ chi 317,64 tỉ đồng để thực hiện chia cổ tức.

Trong tháng 8, nhà máy Đạm Cà Mau đã thực hiện dừng máy để bảo dưỡng cơ hội. Sau bảo dưỡng, nhà máy Đạm Cà Mau đạt công suất tối đa khá nhanh. Công ty dự kiến nâng công suất thêm 2% lên 112% công suất để tăng lượng tiêu thụ khí.

Đạm Cà Mau cho biết đã tham gia các phiên đấu thầu quốc tế cùng các nhà phân phối lớn, thu về hàng chục triệu USD doanh thu, góp phần trực tiếp giảm áp lực tồn kho. Doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn 200.000 tấn phân bón phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long vụ đông xuân và các khu vực khác.

Công ty cho biết, bắt đầu từ ngày 20/10/2020, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau chính thức mở rộng tên thương hiệu từ “Đạm Cà Mau” sang “Phân bón Cà Mau”.

Kể từ khi chạm đáy cuối tháng 3, thị giá cổ phiếu DCM đã tăng trưởng hơn 140%, từ mức 5.000 đồng/cp lên 12.000 đồng/cp. Chốt phiên giao dịch ngày 28/10, DCM ở mức 11.500 đồng/cp với thanh khoản hơn 3 triệu đơn vị.

Minh Hằng

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...