|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đảm bảo tiêu chuẩn, nâng cao uy tín là điều kiện cần để thủy sản, rau quả Việt Nam tận dụng cơ hội từ EVFTA

11:06 | 01/08/2019
Chia sẻ
Thay đổi tư duy làm ăn là điều cực kì quan trọng bao gồm cái nhìn về thị trường lớn, cải tiến chất lượng, mẫu mã và thương hiệu san phẩm.

Thủy sản, rau quả đứng trước cơ hội vàng của EVFTA

Trao đổi bên lề Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề "EVFTA – chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện" diễn ra ngày 30/7 tại TP HCM,  ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham khẳng định EVFTA có thể giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020 và tăng đến 44,37% vào năm 2030. 

Đặc biệt, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023 và tăng 4,57 - 5,3% từ năm 2024 - 2028.

"EVFTA mang lại khả năng tiếp cận thị trường châu Âu với 5 triệu người tiêu dùng cho doanh nghiệp Việt, mở ra cơ hội cho những đơn hàng lợi nhuận cao. 

Đây thực sự là cơ hội thực tế, nhìn thấy rõ đối với doanh nghiệp Việt Nam", ông Jean Jacques Bouflet khẳng định.

70679f09719295cccc83

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham. Ảnh: Như Huỳnh.

Số liệu của Bộ Công thương cũng cho biết giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam – EU đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 55,84 tỉ USD vào năm 2018.

Trong đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỉ USD.

Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt gần 27,5 tỉ USD, tăng khoảng 1,7% so với cùng kì năm 2018; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 20,5 tỉ USD, giảm 0,65% và nhập khẩu đạt 6,94 tỉ USD, tăng 9,1%.

Với EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt maythủy sảngỗ… sẽ được giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. 

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba vào EU trong số các nước đang phát triển và tăng nhẹ từ năm 2016 tới nay. 

Cụ thể, năm 2016 trị giá xuất mặt hàng này đạt 683 triệu euro, chiếm hơn 3,4% nhập khẩu thủy sản của EU từ các nước ngoài EU. Đến năm 2018 tăng lên 761 triệu euro, chiếm hơn 3,6%.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, chia sẻ với người viết, mặt hàng cá tra philê đông lạnh hiện nay có thuế suất là 5,5% khi xuất khẩu sang EU, tuy nhiên, mức thuế sẽ giảm còn 0% trong 3 năm tới.

"Châu Âu là một trong những thị trường chính của Vĩnh Hoàn. Với toàn ngành, xuất khẩu cá tra phi lê sang EU đạt khoảng 300 triệu USD, riêng Vĩnh Hoàn chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu.

Khi hiệp định được kí kết chủ yếu doanh nghiệp tìm kiếm lại cơ hội cạnh tranh cho những sản phẩm như cá tra philê tẩm bột mà trước đây do thuế nhập khẩu chúng ta không cạnh tranh bằng các loại cá khác", bà Tâm chia sẻ.

d703d9b6372dd3738a3c

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn. Ảnh: Như Huỳnh.

Với mặt hàng rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực. 

Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… 

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU tuy liên tục tăng trưởng trong mấy năm qua nhưng vẫn còn rất khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả. 

Hiện giá trị xuất khẩu rau quả sang EU mới đạt 117 triệu USD năm 2018, chiếm khoảng 3%. 

"Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Vì vậy, EVFTA là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang EU", ông Nguyên nói.

Thách thức lớn nhưng luôn có cách giải quyết nếu doanh nghiệp nghiêm túc

Theo ông Jean Jacques Bouflet, thị trường châu Âu có những yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao, người tiêu dùng luôn yêu cầu một chất lượng nhất định đối với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Cụ thể như phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thực phẩm, Luật Thú y, qui định bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, qui định về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu…

Ngoài ra, thị trường này cũng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố liên quan như mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Do đó, muốn tận dụng được tối đa các ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu sang EU, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay làm ngay trong quá trình chờ EVFTA đi vào thực hiện là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Đồng thời cần đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bởi không nhiều người hiện biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản phẩm cà phê robusta. Do đó, hình ảnh, thương hiệu là yếu tốc rất quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam.

"EuroCham sẵn sàng giúp đỡ, sát cánh cùng doanh nghiệp nâng cao hình ảnh sản phẩm và chất lượng sản xuất để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu đưa ra", Phó chủ tịch EuroCham cho hay.

1d1fc49bc501215f7810

Các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Đây cũng chính là quan điểm của bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng Ban kinh tế và thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam: 

"Các doanh nghiệp cần gấp rút nâng cấp hàng xuất khẩu sang EU, cải thiện năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia về mặt chất lượng, uy tín sản phẩm".

Cũng theo bà Miriam Garcia Ferrer, các doanh nghiệp hoàn toàn tiếp cận tự do với hiệp định nhưng phải tuân thủ tiêu chuẩn của EU.

"Một số sản phẩm của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang EU, cũng như chưa có uy tín tại thị trường EU. 

Chẳng hạn, cà phê Việt Nam rất tốt nhưng sao người tiêu dùng EU vẫn chưa tìm đến? Doanh nghiệp phải trả lời câu hỏi này nếu hướng đến mục tiêu tận dụng ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại", đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng không còn cách nào khác là phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp. 

"Đó là cơ hội nhưng cần phải có quá trình, chưa thể tác động ngay lập tức. 

Việc hạ thuế chắc chắn sẽ giúp sản phẩm cá phi lê cạnh tranh hơn nhưng cần phải lộ trình và doanh nghiệp phải tranh thủ vận động về mặt thương hiệu, tiếng tăm của sản phẩm cá tra nói riêng và thủy sản nói chung,

Cùng với việc ngày càng cải thiện chất lượng của con cá, người tiêu dùng nhận biết, tin tưởng nhiều hơn và giá cả cạnh tranh hơn nhờ thuế suất giảm thì lúc đó doanh nghiệp mới tận dụng được cơ hội của EVFTA", bà Tâm khẳng định.

3

Tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang EU còn rất lớn.

Cũng theo bà Tâm, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu luôn luôn thay đổi của các thị trường đối tác để sẵn sàng đáp ứng. 

Đặc biệt, các vấn đề xã hội, an sinh vật nuôi hiện vẫn còn lạ lẫm với Việt Nam nhưng doanh nghiệp cần sớm làm quen bởi sắp tới, EU sẽ đưa ra những yêu cầu này ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng nền công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam còn yếu và thiếu. Cả nước mới có 150 cơ sở chế biến rau quả, chưa kể, công nghệ bảo quản, chế biến sâu còn chưa đồng bộ.

"Chúng ta chưa có bưởi, sầu riêng tách vỏ như Thái Lan, những mặt hàng người tiêu dùng châu Âu ưa thích vì độ tiện lợi, do đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao hơn. Vậy thì sao có thể cạnh tranh?", ông Nguyên nói.

Do đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật rất khắt khe về kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất… các doanh nghiệp phải tích cực xây dựng vùng nguyên liệu nhằm chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

"Doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm bắt các cam kết của Việt Nam với EU, nhằm hiểu rõ hơn lợi thế mình có thể tận dụng. 

Thay đổi tư duy làm ăn là điều cực kì quan trọng bao gồm cái nhìn về thị trường lớn, cải tiến chất lượng, mẫu mã và thương hiệu sản phẩm", ông Nguyên cho hay.

Như Huỳnh