Đại sứ VN tại Ấn Độ: 'VN có thể tăng xuất khẩu gia vị, cà phê sang Ấn Độ'
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, sau vài ngày gián đoạn việc xuất khẩu hồ tiêu và một số nông sản Việt đi Ấn Độ đã trở lại bình thường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tôn Sinh Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, về triển vọng thương mại giữa 2 nước.
Kể từ ngày 18/3, việc xuất khẩu hồ tiêu và một số nông sản Việt đi Ấn Độ đã có thể tiến hành bình thường sau một thời gian ngắn gián đoạn. Đánh giá của Đại sứ về bước tiến triển tích cực này giữa thương mại 2 nước?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Việt Nam và Ấn Độ đều là hai nước xuất khẩu lớn về hàng nông nghiệp. Mỗi năm Việt Nam xuất sang Ấn Độ một lượng khá lớn cà phê hạt và hạt tiêu trị giá khoảng 200 triệu USD.
Ấn Độ cũng xuất sang Việt Nam một khối lượng khá lớn các loại hạt nhất là lạc, vừng với tổng trị giá khoảng 300 triệu USD.
Việc hai bên cùng dỡ bỏ sớm lệnh cấm nhập hàng nông sản của nhau là một việc làm hết sức cần thiết, tránh được những thiệt hại không đáng có đối với cả hai bên.
Khi quan hệ thương mại tăng lên thì các tranh chấp thương mại xảy ra là điều khó tránh khỏi, đối với bất cứ đối tác nào.
Nhưng đối với Việt Nam và Ấn Độ, thì chúng ta phải xử lý các tranh chấp một cách khẩn trương hơn, trên cơ sở quan tâm tới lợi ích của nhau, đúng với tinh thần của mối quan hệ bạn bè hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa VN và Ấn Độ có những bước phát triển trong những năm qua khi Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Đại sứ đánh giá sao về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước?
Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2007, quan hệ kinh tế thương mại có những bước phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 2006, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, thì năm 2016 đã đạt 9,1 tỷ USD theo số liệu của Ấn Độ.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu và thương mại nói chung của Ấn Độ đều chậm lại, thì thương mại hai nước năm 2016 vẫn tăng 13,8% so với năm 2015. Hiện nay Ấn Độ đã là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng tôi cho rằng thương mại giữa hai nước vẫn còn tiềm năng rất to lớn.
Ấn Độ coi Việt Nam là một thị trường lớn ở Đông Nam Á. Còn đối với nước ta thì Ấn Độ là một thị trường khổng lồ chưa được khai thác. Ấn Độ cũng là một nguồn thu hút đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.
Cho đến cuối năm 2016, Ấn Độ đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt, với triển vọng một số dự án lớn của các tập đoàn Ấn Độ sẽ được triển khai trong năm nay. Du lịch Ấn Độ vào Việt Nam cũng có khả năng tăng đột biến khi hãng hàng không Vietjet mở đường bay trực tiếp giữa hai nước vào giữa năm nay.
Ông Tôn Sinh Thành, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh: NVCC. |
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với hạt tiêu cũng như nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đại sứ đánh giá thế nào về việc tiêu thụ các mặt hàng này của Việt Nam tại Ấn Độ?
Ấn Độ là một thị trường rất lớn cho các mặt hàng gia vị của Việt Nam. Năm 2015, Ấn Độ nhập hạt tiêu trị giá tới 95 triệu USD từ Việt Nam. Trị giá các loại quế hồi ta xuất sang Ân Độ cũng đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm tới 60% thị trường quế hồi Ấn Độ. Việt Nam cũng xuất 89 triệu USD cà phê hạt sang Ấn Độ năm 2015.
Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị và cà phê sang Ấn Độ vì đây là những mặt hàng không thể thiếu trong bữa ăn của người Ấn Độ và nhiều công ty Ấn Độ cũng nhập về để chế biến xuất đi các nước khác. Ấn Độ cũng tiêu thụ rất nhiều hạt điều. Các loại hoa quả mà ta có thế mạnh như thanh long, nhãn, vải cũng có thể xuất khối lượng lớn sang Ấn Độ.
2017 là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đại sứ có thể cho biết 2 bên sẽ có chuẩn bị gì để tăng cường hợp tác kinh tế cũng như ngoại giao?
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 9/2016, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, với ý nghĩa là làm cho quan hệ hai nước phát triển toàn diện hơn, trong đó hợp tác kinh tế được xác định là một lĩnh vực ưu tiên chiến lược.
Hiện nay, hai bên đang chuẩn bị một Chương trình hành động để biến mục tiêu xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thành hiện thực.
Hai bên sẽ xác định các biện pháp để củng thêm sự tin cậy chính trị, tiếp tục thúc đẩy tất cả 5 trụ cột hợp tác gồm chính trị - ngoại giao, quốc phòng – an ninh, kinh tế – thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa – giáo dục.
Riêng về thương mại, hai bên sẽ xác định các biện pháp để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020.
Xin cảm ơn Đại sứ!