|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc gồng mình vượt khó thời dịch bệnh

14:52 | 14/02/2020
Chia sẻ
Nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm qua mạng của người tiêu dùng rất lớn, nhưng khả năng giao hàng của Alibaba lại bị hạn chế. Đại gia thương mại điện tử này đã phải ngừng phần lớn hoạt động vận chuyển trong khoảng nửa tháng dù lượng đơn đặt hàng tăng vọt.
Nhu cầu của khách hàng đối Alibaba tăng nhanh giữa dịch virus corona - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm bên trong một chi nhánh trống vắng của chuỗi siêu thị Freshippo của Alibaba ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Alibaba là tập đoàn công nghệ lớn đầu tiên của Trung Quốc báo cáo kết quả kinh doanh kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Alibaba cảnh báo về hậu quả kinh tế tiềm ẩn khi tập đoàn này phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh cách li hàng loạt và thiếu hụt lao động.

Nikkei đưa tin hôm thứ Năm (13/2), CEO Daniel Zhang của Alibaba nói trong buổi họp báo: "Giống như tất cả doanh nghiệp khác ở Trung Quốc, chúng tôi phải đối mặt với một sự kiện "thiên nga đen" ngay khi năm 2020 vừa bắt đầu, đó là dịch virus corona (covid-19). Dịch bệnh này đang có tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu".

Nhưng Alibaba cũng tìm được niềm an ủi trong tình thế khó khăn, bất chấp hoạt động thương mại cốt lõi của tập đoàn đang chịu sự tấn công của virus corona.

Freshippo là một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ngoại tuyến - trực tuyến giao thực phẩm tươi sống trong 30 phút, và là một bộ phận quan trọng trong chiến lược "bán lẻ kiểu mới" của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. 

Các đơn hàng của Freshippo đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, dù trước đó mức độ thâm nhập thị trường của công ty này khá thấp. Kể cả những người mua sắm trực tuyến ở đô thị cũng không hay sử dụng dịch vụ của công ty này.

CEO Zhang cho biết ông hi vọng mức thâm nhập thị trường của Freshippo sẽ tiếp tục tăng kể cả sau khi dịch virus corona chấm dứt. Lí do là vì trong tháng vừa qua, "ngày càng có nhiều người đã quen với việc mua sắm thực phẩm trực tuyến", cũng như nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo Nikkei, một công ty khác của Alibaba cũng đang ăn nên làm ra trong dịch virus corona, đó là DingTalk - nền tảng giao tiếp và hợp tác doanh nghiệp. 

Lượng khách hàng của công ty này đã tăng lên do nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho phép nhân viên làm việc tại nhà ngay cả sau khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc. DingTalk được lợi một phần nhờ thị trường hội nghị truyền hình ở nước này vẫn chưa phát triển, nên khách hàng có ít lựa chọn.

Doanh thu của Alibaba trong quí IV (khi dịch virus corona chưa bùng phát) là 161,4 tỉ Nhân dân tệ (23,2 tỉ USD), tương đương mức tăng 38%, vượt quá kì vọng của các nhà phân tích.

Ông Zhang cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba đã chịu "tác động tiêu cực" trong hai tuần sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Hoạt động thương mại đang phải vật lộn để trở lại bình thường và việc giao hàng bị trì hoãn.

Trong khi đó, nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm qua mạng của người tiêu dùng đang tăng cao, do hàng chục triệu người bị cách li tại nhà của họ. 

Ông Zhang nói Alibaba đã không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu này vì "những hạn chế trong khả năng giao hàng".

Phần lớn hàng hóa được bán qua trang thương mại điện tử Taobao.com của Alibaba được vận chuyển bởi các công ty logistics thuộc bên thứ ba. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đã buộc phải kéo dài thời gian ngừng hoạt động cho đến hết ngày 9/2 theo chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc. Do đó, nhiều nhân viên giao hàng mới chỉ quay trở lại làm việc trong tuần này. 

Ngay cả khi đơn đặt hàng tăng vọt, hầu hết hoạt động vận chuyển của Alibaba đã ngừng trong khoảng nửa tháng.

Alibaba dựa vào các công ty vận chuyển bên ngoài nhằm theo đuổi chiến lược "nắm giữ ít tài sản" để thu về tỉ suất lợi nhuận cao. Nhưng sự bùng phát virus corona đã làm lộ ra những thiếu sót của kế hoạch này.

Nhu cầu của khách hàng đối Alibaba tăng nhanh giữa dịch virus corona - Ảnh 2.

Một nhân viên của JD.com - đối thủ của Alibaba kiểm tra nhiệt độ của đồng nghiệp trước giờ cửa hàng thuộc chuỗi 7Fresh của JD mở cửa. Ảnh: Reuters

Ngược lại, JD.com - nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc từ trước vẫn duy trì mảng logistics trong nội bộ để rút ngắn thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ. Công ty con JD Logistics vẫn hoạt động trong kì nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù số tài xế chở hàng ít đi. 

Doanh số các loại thực phẩm ăn liền như mì cốc của JD trong kì nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc ngày 30/1 đã tăng đến hơn 20 lần so với cùng kì. Doanh số bán thịt và rau tăng gấp 3-4 lần. Nhu cầu đối với các thiết bị liên quan đến sức khỏe cũng tăng mạnh, trong đó doanh số máy lọc không khí tăng gấp ba lần.

Bà Maggie Wu - Giám đốc tài chính của Alibaba chỉ ra các thách thức sau kì nghỉ do virus corona gây ra.

"Dù vẫn còn có nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, các công cụ sản xuất của nền kinh tế đã bị cản trở do việc trì hoãn mở cửa các văn phòng, nhà máy và cửa hàng sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng giống như các doanh nghiệp khác, không tránh khỏi sự mất cân đối cung - cầu."

Theo Nikkei, Alibaba còn phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là hàng loạt ca nhiễm virus corona (covid-19) tại tỉnh Chiết Giang, nơi đặt trụ sở tập đoàn. Tính đến 13/2, Chiết Giang đã phát hiện 1.145 ca nhiễm virus corona, đứng thứ tư trong số 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc.

Trụ sở chính của Alibaba nằm ở thành phố Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra, nhiều công ty chủ chốt khác của tập đoàn công nghệ này cũng được đặt ở đây, bao gồm Ant Financial, nhà cung cấp nền tảng thanh toán di động Alipay. Các đối tác giao hàng của Alibaba cũng có một số trung tâm vận chuyển ở Hàng Châu.

Alibaba đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm virus corona. Ban đầu, nhân viên dự kiến sẽ quay trở lại văn phòng làm việc vào ngày 10/2, nhưng thời gian làm việc tại nhà của họ đã được kéo dài, đầu tiên là cho đến ngày 17/2. Thậm chí theo truyền thông Trung Quốc, hiện khoảng thời gian này đã được giãn cho đến đầu tháng 3.

Giang