Đại dịch COVID-19 làm sụt giảm nhanh chóng dự trữ ngoại hối
Đại dịch COVID-19 toàn cầu gây nguy cơ dòng vốn rời khỏi các nền kinh tế mới nổi. Xuất khẩu giảm và không có khách du lịch khiến nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Trong khi đó, sự sụt giảm giá trị của các đồng tiền địa phương yếu hơn khiến cho việc trả nợ nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực này khiến thị trường tài chính phải theo dõi chặt chẽ. Liệu rằng các nền kinh tế một thời từng tăng trưởng nhanh có thể vượt qua suy thoái kéo dài.
Trong năm nay, nhóm các nền kinh tế mới nổi đang thu về ít ngoại tệ hơn rất nhiều. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình của 141 nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến khoảng 2% GDP.
Dự trữ ngoại hối đảm bảo cho khả năng thanh toán các khoản nợ của một quốc gia. Khoản dự trữ này đang giảm nhanh ở các nền kinh tế mới nổi. Khoảng 60% dự trữ này được tính bằng đồng USD. Tại 32 nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, dự trữ ngoại hối giảm 50 tỉ USD trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với khoảng dự trữ 2.800 tỉ USD vào cuối năm ngoái.
Tình trạng này đảo ngược xu hướng dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế tại nhóm nước mới nổi đã đẩy dự trữ ngoại hối các nước này lên mức 10% hàng năm.
Tuy nhiên, theo ước tính dự trữ ngoại hối trong năm nay của các thị trường mới nổi có thể giảm đến 150 tỉ USD. Đây được xem là mức suy giảm sâu nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.
Trong số 32 quốc gia được khảo sát, có 20 nước công bố dự trữ ngoại tệ giảm. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ trải qua đợt giảm mạnh nhất, mức giảm lên đến 27 tỉ USD.
Trong nỗ lực bảo vệ bảo vệ đồng lira, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, đã có động thái bất thường là vay ngoại tệ từ các ngân hàng địa phương. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện ở khoảng 50 tỉ USD, thấp hơn các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn và đang ở ngưỡng không bền vững.
Indonesia cũng chứng kiến sự sụt giảm dự trữ ngoại hối trong tháng 2 và tháng 3. Ngân hàng Trung ương nước này đã can thiệp vào thị trường để ngăn chặn sự trượt dốc của đồng rupiah so với đồng bạc xanh. Viễn cảnh cạn kiệt dự trữ ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, đã buộc chính phủ và Ngân hàng Trung ương phải can thiệp.
Việc đóng cửa ngành du lịch đã lấy đi nguồn cung ngoại tệ quý giá. Ông Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển của Indonesia phát biểu rằng, thu nhập ngoại hối từ du lịch sẽ giảm xuống từ 3,3-4,9 tỉ USD trong năm nay, giảm rất nhiều so với khoảng 19,7 tỉ USD vào năm 2019.
Vào đầu tháng 4.2020, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã thỏa thuận với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc mua lại 60 tỉ USD để tăng nguồn cung USD.
Trong khi chính phủ nước này cũng phát hành 4,3 tỉ USD trái phiếu bằng USD cùng tháng. Trong đó, có một trái phiếu có giá trị đáo hạn 50 năm. Đây được xem là trái phiếu USD dài hạn nhất được phát hành bởi một quốc gia châu Á.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại Indonesia. Điều này làm giảm áp lực đối với tiền tệ và dự trữ ngoại hối nước này. Tuy nhiên, tình trạng các ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng, gây ra lo ngại dòng chảy ngoại hối có thể bị đảo ngược trở lại.
Tại Ai Cập, nơi mà ngành du lịch chiếm 11% GDP của đất nước. Dự trữ ngoại hối nước này cũng đã giảm 20% kể từ tháng 3.2020 do tác động của đại dịch.
Tại Brazil, xuất khẩu dầu và ô tô đã sụt giảm nghiêm trọng. Và Trung Quốc, nhà nhập khẩu chủ yếu lượng đậu nành và thịt từ Brazil, đã làm dấy lên mối lo ngại về các biện pháp an toàn sức khỏe của đất nước.
Bất chấp những lo ngại này, thị trường tài chính toàn cầu đã tương đối bình tĩnh. Một khi cú sốc ban đầu của đại dịch tan biến, cùng với các biện pháp kích thích được thực hiện bởi chính phủ và ngân hàng trung ương, các nhà đầu tư bắt đầu bán hết tài sản của họ ở các thị trường mới nổi, dòng dự trữ ngoại hối có thể đột ngột chuyển hướng.
Trong 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 5, các loại tiền tệ của Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD. Điều này càng làm tăng các khoản nợ bằng đồng USD ở các nước này.
Mạng lưới an toàn được cung cấp bởi các nền kinh tế lớn và các tổ chức quốc tế cũng trở nên rất mong manh.
FED đã cung cấp USD thông qua hoán đổi tiền tệ cho các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có Brazil và Mexico được coi là thị trường mới nổi. Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Washington để trao đổi, nhưng mối quan hệ căng thẳng với nước Mỹ khiến cho tiến độ chậm lại.
Nếu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế lớn bị thiếu hụt, thì các vấn đề ở các nền kinh tế mới nổi có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đến cuối năm 2021, khoản vay 720 tỉ USD sẽ đến hạn tại 29 nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc.
Nếu có khủng hoảng nợ, các ông chủ lớn như các ngân hàng châu Âu và Nhật sẽ là những người bị tổn thương đầu tiên, khi mà họ chiếm giữ phần lớn các khoản cho vay ở các nước kinh tế mới nổi.