Thị trường ngoại hối liệu còn yên ả?
Chỉ số USD Index trong hai ngày cuối tuần đã bất ngờ bật mạnh trở lại từ mốc dưới 96 điểm lên trên 97 điểm, báo hiệu sự đảo chiều sau xu hướng giảm liên tiếp suốt ba tuần qua từ đỉnh cao 100 điểm. Diễn biến này khiến giới phân tích tin rằng đô la Mỹ quốc tế đã chấm dứt chuỗi điều chỉnh và đang đứng trước một đợt phục hồi trở lại trong thời gian tới.
Đáng lưu ý là diễn biến này diễn ra chỉ ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% trong cuộc họp ngày 10-6 vừa qua, đồng thời dự báo giữ nguyên lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến năm 2022. Về cơ bản, lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay sẽ càng tăng áp lực đẩy đô la Mỹ đi xuống.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lại cho rằng cam kết giữ nguyên lãi suất thấp của Fed trong hai năm tới là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng sẽ còn đối mặt với nhiều bất ổn khó lường, do đó thúc đẩy tâm lý dịch chuyển sang các tài sản an toàn như đô la Mỹ.
Ngoài ra, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần hai đang quay trở lại khi một số bang của Mỹ như Texas, Florida, Arizona... đã ghi nhận các ca nhiễm bệnh tăng mạnh.
Trong khi đó, các hoạt động biểu tình tại Mỹ vẫn đang diễn ra rầm rộ càng khiến nguy cơ dịch bệnh lan rộng khó lường. Thống đốc Andrew Cuomo mới đây đã cảnh báo người dân New York cũng sẽ phải chống lại làn sóng bùng phát dịch bệnh lần hai.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với một đợt bùng phát mới của dịch bệnh. Bắc Kinh đã quyết định đóng cửa chợ nông sản đầu mối lớn nhất của thành phố sau khi nhiều ca nhiễm Covid-19 mới được công bố có liên quan đến khu chợ này.
Tokyo trong ngày cuối tuần qua cũng ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 mới lên cao nhất kể từ ngày 5-5. Mối đe dọa này càng góp phần kéo các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và rót tiền vào các tài sản an toàn, trong đó có đô la Mỹ.
Thực tế, quá khứ cũng đã cho thấy điều này. Vào thời điểm trung tuần tháng 3 năm nay, khi Mỹ và nhiều quốc gia bắt đầu chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, nền kinh tế bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng khiến Fed bất ngờ có hai đợt giảm mạnh lãi suất khẩn cấp vào ngày 3-3 và 15-3, chỉ số USD Index đã leo một mạch từ dưới 95 điểm lên gần 103 điểm, tức tăng gần 9% chỉ trong vòng 10 ngày.
Tỷ giá trung tâm, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng trong nước lẫn trên thị trường tự do cũng có bước đảo chiều tăng trở lại vào cuối tuần qua, sau khi chạm đáy từ đầu quí 2 đến nay.
Cụ thể trong phiên cuối tuần ngày 12-6, tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng, giá niêm yết tại các ngân hàng tăng từ 25-30 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra, trong khi thị trường tự do ghi nhận hai ngày đi lên liên tiếp với tổng mức tăng 40 đồng. Đến ngày đầu tuần này (15-6), tỷ giá trung tâm tiếp tục được nâng thêm 17 đồng.
Những ảnh hưởng từ diễn biến bật lại của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đến thị trường ngoại hối trong nước là rõ ràng. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - đồng trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng thu hẹp mạnh từ giữa tháng 5 đến nay cũng thật sự cần chú ý, vì có thể kích thích nhu cầu đô la Mỹ tại các ngân hàng.
Cụ thể, theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, trong tuần đầu tháng 5, chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng vẫn còn xoay quanh mức gần 2% ở các kỳ hạn qua đêm đến hai tuần.
Nhưng sau khi lãi suất vay mượn tiền đồng giữa các ngân hàng lao dốc gần đây, hiện chỉ còn 0,35% đối với kỳ hạn qua đêm trong tuần đầu tháng 6, mức chênh lệch này chỉ còn vỏn vẹn từ 0,23-0,48% theo các kỳ hạn tương ứng.
Trong trường hợp lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều so với lãi suất đô la Mỹ, ngân hàng sẽ tích cực vay đô la Mỹ chuyển sang tiền đồng để cho vay khách hàng hoặc cho vay lại các ngân hàng khác đang thiếu thanh khoản.
Ngược lại, nếu chênh lệch này quá thấp, ngân hàng sẽ tích cực vay tiền đồng để đầu tư, lướt sóng đô la Mỹ hoặc chuyển từ tiền đồng vay được sang ngoại tệ cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn.
Trường hợp này sẽ làm tăng cầu đô la Mỹ, nhất là khi các ngân hàng dự đoán đô la Mỹ quốc tế sẽ sớm tăng trở lại nên càng có tâm lý tăng găm giữ đô la Mỹ.
Trong thời gian qua, có thể nói nhờ cán cân thương mại hàng hóa thặng dư trở lại từ tháng 3 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gia tăng, cũng như kỳ vọng dòng vốn quốc tế dịch chuyển sẽ tìm đến Việt Nam, đã phần nào hỗ trợ tâm lý và giúp giữ ổn định cho thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, thực tế là nguồn cung ngoại tệ từ các dự án FDI giải ngân trong năm tháng đầu năm vẫn đang ghi nhận giảm sút 8,2%, trong khi tổng giá trị góp vốn mua cổ phần giảm mạnh đến 60,9% so với cùng kỳ.
Ở phía cầu, ngoài động thái tăng găm giữ đô la Mỹ của các ngân hàng, thì cần lưu ý khoản trái phiếu chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ trị giá 1.700 triệu đô la Mỹ sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021 cũng đòi hỏi phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.
Dù dự trữ ngoại hối liên tiếp gia tăng trong các năm qua và gần đây ghi nhận mức kỷ lục lên đến 84 tỉ đô la Mỹ, nhưng việc các trái phiếu ngoại tệ đến hạn cũng phần nào ảnh hưởng lên tâm lý thị trường ngoại hối.
Trong khi đó, khi rủi ro gia tăng trở lại, giới đầu cơ trong nước cũng có thể tìm cơ hội lướt sóng ở các tài sản được xem là nơi trú ẩn an toàn như vàng hay ngoại tệ. Do đó, không loại trừ dòng tiền chốt lời ở thị trường chứng khoán sẽ tạm trú ẩn nơi các tài sản này.
Thực tế, giá vàng trong nước cũng đã có những bước phục hồi đáng kể gần đây theo giá vàng quốc tế, do đó nếu dự báo đô la Mỹ quốc tế sẽ sớm phục hồi trở lại thì điều này cũng có thể kích thích động thái nắm giữ ngoại tệ trở lại.
Cũng cần phải nói đến xu hướng lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng liên tiếp được điều chỉnh trong thời gian qua. Việc trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng giảm 0,25% trong tháng 3 và giảm tiếp 0,5% vào giữa tháng 5 cũng có thể ảnh hưởng lên sự chuyển dịch tài sản, khi tiền đồng trở nên kém hấp dẫn.
Dù trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ theo quy định là 0% nhưng khách hàng vẫn có cách để sinh lời. Bằng cách gửi đô la Mỹ với lãi suất vẫn ở mức 0% theo quy định, khách hàng có thể cầm cố sổ tiết kiệm vay lại tiền đồng với lãi suất 4-5% ở kỳ hạn tối thiểu sáu tháng, sau đó đem gửi cho các ngân hàng trong nước với lãi suất 6-7%. Khi đó khách hàng vừa giữ được ngoại tệ, lại vừa hưởng lãi suất 2-3%.