|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đã lấy mẫu xét nghiệm gần 4.400 người liên quan tới quán bar Buddha

19:28 | 06/04/2020
Chia sẻ
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cho biết, liên quan đến chùm ca bệnh tại quán bar Buddha, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Đến nay đang tổ chức cách li, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính.

Chiều nay (6/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 khi việc cách li toàn xã hội bước sang ngày thứ 6.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tín hiệu tích cực khi mà trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng. 

Chỉ thị số 15, 16 làm cuộc sống của người dân thay đổi. Thủ tướng nêu rõ, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.

Đã lấy mẫu xét nghiệm gần 4.400 người liên quan tới quán bar Buddha - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Từ nay đến ngày 15/4, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới", Thủ tướng yêu cầu. 

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, tính đến ngày 5/4/2020, cả nước đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố, chủ yếu từ công ty Trường Sinh. 

Bên cạnh đó, cả nước đã thực hiện rà soát 52.239 người liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Các địa phương đã thực hiện việc cách li và kiểm soát hết người đến bệnh viện này.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại quán bar Buddha, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Đến nay đang tổ chức cách li, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính. 

Liên quan đến bệnh nhân số 237 (người Thụy Điển), đã thực hiện rà soát, cách li 455 trường hợp; lấy mẫu và xét nghiệm 101 nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ 101 mẫu xét nghiệm đối với nhân viên y tế đều có kết quả âm tính (lần 1).

Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi từ 121 (23/3) lên 241 (5/4). Trong cùng thời gian đó, số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần từ 341.632 (23/3) lên 1.273.709 (5/4). Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do COVID-19 đã tăng lên gần 5 lần.

Hiện Việt Nam có số mắc đứng thứ 98 trong số 210 các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Việt Nam là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng. 

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho hay, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách li, quản lí các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp cách li xã hội.

Theo thông tin từ báo chí, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách li toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế dịch COVID-19.

Bộ Y tế cũng đề xuất cách li và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Bộ Công an cần chỉ đạo công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lí phù hợp.

"Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách li xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

K.Hà