Phát hiện ca mắc COVID-19 sau 23 ngày khám ở Bệnh viện Bạch Mai
Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội diễn ra sáng 6/4 - ngay sau hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quí I/2020 của thành phố.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc đến bài học tại một số quốc gia có dân số không chênh lệch nhiều với Việt Nam, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, hệ thống y tế của họ lại sớm vỡ trận. Trong khi đó, Việt Nam với chủ trương “phòng là chính”, phấn đấu để dịch xảy ra ở mức thấp nhất, đã có những biện pháp cương quyết, mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực, làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội, khiến học sinh, sinh viên phải nghỉ học trong gần 3 tháng qua…
Hà Nội có ca ủ bệnh 23 ngày
Vấn đề lo ngại được ông Chung đưa ra là chưa có quốc gia nào xác định được thời gian kết thúc của dịch bệnh. Thậm chí mới đây nhất, ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã phát hiện và công bố có những ca bệnh 39 ngày mới phát bệnh, trong suốt khoảng thời gian đó vẫn âm thầm lây nhiễm cho người khác.
Riêng với Hà Nội, ông Chung nhắc lại TP là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước.
Cập nhật thông tin mới nhất, Chủ tịch Hà Nội cho biết qua xét nghiệm khẳng định, CDC Hà Nội cập nhật 2 ca dương tính mới được phát hiện.
Một người là hành khách 35 tuổi (ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đi trên chuyến bay SU từ Moscow (Nga) về Hà Nội và được cách ly tại khu cách ly tập trung của Đại học FPT. Người này nhập cảnh ngày 25/3, xét nghiệm lầm đầu âm tính nhưng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 lại cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh (Hà Nội). Người này đến khám ở Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai về ngày 12/3, sau đó không đi đâu và tiếp xúc với ai. Ngày 4/4, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Hà Nội, kết quả dương tính với virus gây dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch Hà Nội, đây là bệnh nhân sau 23 ngày mới phát bệnh, đó là điều phải lưu ý.
Từ 6/3 đến nay tròn 1 tháng và Hà Nội đã ghi nhận 96 ca nhiễm, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là các ca dương tính được phát hiện từ sân bay và được cách ly ngay. Những trường hợp này không đáng lo ngại vì đã kiểm soát được.
Nhóm thứ hai là những ca nhiễm chéo trong cộng đồng và ngoài xã hội, hiện nay có 17 ca. Nhóm thứ ba là các ca nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai với 36 ca.
Giãn cách xã hội là phương án tối ưu
Nhắc lại những trường hợp bệnh nhân như 237 vừa qua ngay lập tức khiến hơn 400 người liên quan thuộc diện cách ly, hay ca bệnh 17, 21 cũng khiến hơn 2.100 người thuộc diện F1, F2, Chủ tịch Hà Nội cảnh báo nếu không kiểm soát tốt, đến ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn khả năng đi xác định các ca F1, F2 như thế này.
Bởi vậy, ông khẳng định biện pháp cách ly, giãn cách xã hội mà Thủ tướng yêu cầu hiện nay là phương án tối ưu, duy nhất mà chúng ta đã lựa chọn.
“Tính từ cuối tháng 1, chúng ta đã chống dịch được hơn 60 ngày. Nhưng nếu đi đường dài mà không chuẩn bị tinh thần và vật chất thì khi dịch bùng phát lên, ta rất dễ sẽ thất bại”, ông Chung lưu ý.
Qua thực tiễn một số nước, ông Chung phân tích 2 xu hướng và lựa chọn.
Thứ nhất, những nước áp dụng biện pháp chần chừ, không quyết liệt trong chống dịch sẽ dẫn đến hậu quả hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ sụp đổ, gánh chịu hậu quả của đại dịch. Có những nước hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng chục nghìn người chết, nhiều khả năng sẽ tiếp tục và khó ngăn chặn được dịch.
Nhóm thứ hai là chống dịch quyết liệt, như Việt Nam đang làm. Cách này sẽ kiềm chế được lây nhiễm và các hậu quả nặng nề dịch mang lại. Đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do dịch, giúp giảm gánh nặng cho y tế. Nhưng ông lưu ý dịch luôn có nguy cơ lây lan nên không được chủ quan.
Đặc biệt, phải luôn cập nhật, học hỏi kinh nghiệm từ các nước, không được bảo thủ.
“Từ trước đến nay, ta có thói quen làm việc theo quy trình, suy nghĩ, có sự trợ giúp, nhưng trong dịch bệnh không cho phép ta làm như vậy, không cho phép ta lề mề, gây khó khăn hay chần chừ mà phải hành động khẩn trương”, ông Chung nói.
Ngoài ra, ông chỉ đạo các tổ công tác tuần tra kiểm soát dứt khoát phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các cửa hàng kinh doanh không đúng mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, phải rà soát và ra cách ly ngay tất cả các trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua, vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn nhất. Nếu cần thiết, phải kéo dài thời gian cách ly chứ không chỉ là 14 ngày.
Cho rằng vừa qua chúng ta đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống dịch, nhưng trước nhiệm vụ cấp bách của thành phố, phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ, ứng phó các tình huống xảy ra, đảm bảo nguyên tắc luôn chủ động. Đặc biệt, phải khẩn trương, quyết đoán vì trong tình hình cấp bách không thể chần chừ và mất đi cơ hội.