|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và những chữ ký cổ phần hóa cảng Quy Nhơn

15:23 | 06/05/2019
Chia sẻ
Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản với nội dung: "Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ...". Sau đó, ông ký công văn cho phép bán hết vốn của Vinalines tại cảng này.
Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và những chữ ký cổ phần hóa cảng Quy Nhơn - Ảnh 1.

Toàn cảnh cảng Quy Nhơn - Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, ngày 4-2-2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (nhiệm kỳ từ tháng 8-2011 đến tháng 4-2016) ký thay Thủ tướng quyết định đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015.

Theo quyết định này, Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, đến ngày 4-4-2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Vinalines cho chủ trương cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần của doanh nghiệp. 

UBND tỉnh Bình Định giải thích là "để tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn từ năm 2013 trở đi theo quy hoạch đã được phê duyệt". 

Vào thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Định cho rằng cảng Quy Nhơn đã quá tải, cần cấp bách xây dựng mới bến cảng, cầu cảng, mở rộng kho chứa và bãi chứa hàng.

Đến ngày 27-5-2013, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản với nội dung xét đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, Thủ tướng có ý kiến như sau: "Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ; các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; sau cổ phần hóa, công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán".

Trong khi việc tiến hành thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn từ 75% xuống còn 49% chưa thực hiện xong, thì ngày 1-1-2014, ông Đinh La Thăng - bộ trưởng Bộ GTVT lúc ấy - thăm và làm việc tại Bình Định. 

Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo tỉnh Bình Định lại đề xuất bán hết cổ phần nhà nước nắm giữ tại cảng và điều bất ngờ là ông Thăng thống nhất với đề nghị của tỉnh Bình Định. 

Thông báo của Bộ GTVT về kết luận của ông Thăng về cuộc làm việc này nêu rõ: "Giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt trong quý 1-2014. 

Sau đó, giao Vụ Quản lý doanh nghiệp có dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho các nhà đầu tư trong nước để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch được duyệt".

Ngày 8-9-2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT, cho phép bán hết vốn của Vinalines tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ngày 13-7-2015, khi việc thoái hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn chưa thực hiện xong, ông Nguyễn Văn Thiện - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ký văn bản thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, gửi ông Đinh La Thăng đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh việc bán toàn bộ 49% vốn đó cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước.

Ngày 8-9-2015, Vinalines báo cáo đã bán hết 49% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành ở Hà Nội. 

Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành nắm giữ đến 86,23% vốn điều lệ (348/404 tỉ đồng) của Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn.

Như vậy, trong vòng chưa đến 2 năm, từ là tài sản của Nhà nước, cảng Quy Nhơn đã về tay doanh nghiệp tư nhân. 

Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có sai phạm nên yêu cầu thu hồi 75% cổ phần nhà nước bị bán sai về lại sở hữu của Nhà nước. Tuy vậy, đến nay việc thu hồi này vẫn chưa thực hiện xong.

Thời điểm tháng 1-2011, Bộ GTVT quản lý 20 tổng công ty do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, bao gồm 1 tập đoàn, 3 tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và 16 tổng công ty do Bộ GTVT thành lập.

Qua quá trình tái cơ cấu, đến 31-12-2017, Bộ GTVT còn quản lý 8 tổng công ty do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, 2 công ty TNHH một thành viên.

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt (bao gồm 16 tổng công ty và 121 công ty con, công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ).

Trong 12 tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa, 8 tổng công ty tìm được nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Có 4 trong 12 tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Duy Thanh - Tuấn Phùng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.