|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cựu chủ tịch ngân hàng MHB Huỳnh Nam Dũng kêu oan

16:30 | 10/12/2018
Chia sẻ
Cho rằng bị truy tố, xét xử oan sai, ngay sau phiên sơ thẩm 2 ngày, ông Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHB) đã làm đơn kháng cáo, kêu oan. 

Theo bản án sơ thẩm, trong các năm 2011- 2014, ông Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa, thông qua Hội đồng Quản lý tài sản nợ - Tài sản (ALCO) của MHB, cho Sở Giao dịch MHB chuyển 4.975 tỉ đồng cho Công ty MHBS với lý do là hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Thực tế, MHBS đem số tiền này gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB và mua bán trái phiếu Chính phủ của chính ngân hàng này.

cuu chu tich ngan hang mhb huynh nam dung keu oan
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm

Bà Lữ Thị Thanh Bình - Tổng giám đốc MHBS lấy 3.357 tỉ đồng gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh trong hệ thống MHBS để hưởng lãi suất với tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng. Việc làm này gây thiệt hại cho MHB 26,8 tỉ đồng.

Các lãnh đạo MHB lấy 1.558 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu. Trong số đó, 966 tỉ đồng được sử dụng trong việc ký các thỏa thuận hợp tác đầu tư môi giới mua, bán trái phiếu Chính phủ.

Việc môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ quay vòng giữa MBH, MHBS và các công ty trung gian để các công ty này và MHBS được hưởng lợi dẫn đến MHB thiệt hại, đồng thời không có khả năng thanh toán 272 tỉ đồng tiền gốc.

Sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 22/11, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Huỳnh Nam Dũng 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Theo đơn kháng cáo của ông Huỳnh Nam Dũng: đại diện VKS không dựa vào kết quả xét hỏi khi luận tội, dẫn chiếu sai kết quả xét hỏi đối với Giám định viên Ngân hàng Nhà nước; TAND TP.HCM đã không cân nhắc ý kiến của Giám định viên Ngân hàng Nhà nước cũng như Kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa khi họ xác định rõ là kết quả giám định không phải là thiệt hại, đó chỉ là khoản nợ khó thu tại thời điểm thực hiện việc kiểm toán và giám định.

Theo ông Dũng, việc quy kết ông phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là không có cơ sở. Ông Dũng nói: “Tôi không có quyền hạn để chỉ đạo, điều hành hoạt động của MHB và MHBS. Mọi hoạt động của ALCO hay HĐQT đều phải được sự nhất trí, thống nhất của các thành viên khác. Do đó, tôi không có và không thể lợi dụng các chức vụ, quyền hạn này”.

Ông Dũng cũng cho rằng, TAND TP.HCM không đưa ra được bất kỳ chứng cứ vật chất và trực tiếp nào thể hiện ông đã có chỉ đạo cho Sở giao dịch chuyển vốn cho MHBS sử dụng sai mục đích mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo khác là ông Nguyễn Phước Hòa, bà Lữ Thị Thanh Bình và bà Trần Mỹ Linh. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Hòa và bà Linh đã thay đổi lời khai và khẳng định ông Dũng không chỉ đạo ALCO chuyển vốn cho MHBS sử dụng dưới hình thức chờ đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Trong đơn, ông Dũng cũng dẫn chứng kết luận giám định bổ sung của Ngân hàng Nhà nước đã xác định chủ trương của ALCO khi chuyển tiền chờ mua trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp là hoàn toàn đúng pháp luật.

Ông Dũng khẳng định mình không hề vụ lợi khoản tiền 460 triệu đồng như bản án sơ thẩm đã quy kết. Theo ông Dũng trình bày, không có một chứng cứ khách quan nào để kết luận ông đã nhận số tiền 460 triệu đồng ngoài lời khai của bà Lữ Thị Thanh Bình và ông Huỳnh Việt Thắng và số tiền này bị rút ra từ trước năm 2010, tức là trước khi vụ án xảy ra.

Nhận định về vụ án này, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế.

Theo luật sư Nghĩa, trước thời điểm Ngân hàng MHB chính thức sáp nhập vào Ngân hàng BIDV vào tháng 6/2015, MHB đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản phải thu từ MHBS theo quy định của pháp luật.

Vì đã trích lập dự phòng cho các khoản trên, nên vào thời điểm trước khi MHB sáp nhập vào BIDV, những khoản phải thu và đầu tư này đã được tất toán không còn trên bản cân đối kế toán (nội bảng) của MHB. Và vì vậy, đối với BIDV như là người kế thừa quyền lợi và trách nhiệm của MHB, không có khoản nợ khó đòi 272 tỷ của MHBS. Theo quy định kế toán, những khoản này chỉ nằm ở ngoại bảng để theo dõi và nếu thu được thì được hạch toán vào lợi nhuận.

Cũng theo luật sư Nghĩa, trong khi chưa xác định được thiệt hại thực tế, mà đã hình sự mối quan hệ kinh tế giữa các pháp nhân, đã buộc trách nhiệm hình sự cho các cá nhân có liên quan gây sẽ ra nhiều hệ lụy nguy hiểm trong mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng vay tiền tại BIDV nói riêng và trong ngành ngân hàng nói chung.

Xem thêm

Đoàn Nga

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.