|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị 19-20 năm tù

11:26 | 08/01/2024
Chia sẻ
VKS đánh giá đây là vụ tham nhũng có hệ thống, cán bộ tha hóa biến chất đã gây sai phạm "nhức nhối"; đề nghị tòa tuyên ông Long 19-20 năm tù do nhận hối lộ hơn 51 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Long là một trong 3 cựu ủy viên Trung ương bị xét xử tại vụ án. Với hai người còn lại, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị đề nghị 5-6 năm tù với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận 4 tỷ đồng; ông Chu Ngọc Anh bị đề nghị 3-4 năm do Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong bản luận tội công bố sáng nay, VKS đề nghị TAND Hà Nội tuyên cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc án 3-4 năm; cựu giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường 5-6 năm.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, sáng 8/1. Ảnh: Ngọc Thành

Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) bị đề nghị 15-16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 15-16 năm tù do Đưa hối lộ; tổng cộng 30 năm. Cùng tội danh, cấp phó Vũ Đình Hiệp 16-18 năm.

Tại nhóm tội Nhận hối lộ, ngoài ông Long, 5 cựu quan chức còn lại gồm: ông Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương) bị đề nghị 13-14 năm; Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) 8-9 năm; Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính) 8-9 năm; Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) 14-15 năm và Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Nguyễn Thanh Long) 9-10 năm tù.

Luận tội sáng nay, VKS cho rằng khi dịch bệnh bùng phát, một bộ phận lãnh đạo cấp cao ở một số bộ, ngành, địa phương đã thông đồng với doanh nghiệp để hưởng lợi. Các bị cáo đã biến kit xét nghiệm từ tài sản của Nhà nước thành của riêng Việt Á, thu lời bất chính đặc biệt lớn.

VKS đánh giá, một số cán bộ đã "tha hóa biến chất", xâm phạm tính đúng đắn của nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á, phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức, hai lần trở lên. Quá trình điều tra, xét xử, Việt được VKS ghi nhận thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền và có đơn tự nguyện dùng các tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả.

Với cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, VKS cho rằng sai phạm của ông Long "gây nhức nhối trong dư luận, kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác". Trong khi ngân sách nhà nước đang phải gồng mình để bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ông Long lại gợi ý, đề nghị Việt chi số tiền đặc biệt lớn cho mình.

Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, sáng 8/1. Ảnh: Ngọc Thành

Về dân sự, VKS kiến nghị Tòa tuyên buộc Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, có khấu trừ các khoản các bị cáo khác đã nộp lại tiền hối lộ, tiền cảm ơn, chiết khấu % khi bán kit test tại các địa phương. Tài sản của các bị cáo cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

VKS ghi nhận tổng tiền các bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục, tổng cộng hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD (tương đương tổng 142 tỷ đồng). Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt nộp 200 triệu đồng, có đơn xin dùng toàn bộ tài sản đang bị kê biên, tạm giữ để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Trong những người khắc phục nhiều nhất, cựu bộ trưởng Long nộp 2,25 triệu USD (gần 55 tỷ đồng); Phạm Duy Tuyến nộp hơn 13 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn nộp 300.000 USD (7,3 tỷ đồng); Phan Huy Văn, giám đốc Công ty Dược Phan Anh, nộp 16,8 tỷ đồng; ông Trịnh Thanh Hùng nộp 8 tỷ đồng và 8 số tiết kiệm 4 tỷ đồng.

Bị cáo Phan Quốc Việt. Ảnh: Ngọc Thành

Trước đó, trong ba ngày TAND Hà Nội xét hỏi, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi song đều xin HĐXX xét các yếu tố khách quan: dịch bệnh cấp bách, chưa từng có tiền lệ, không có mưu đồ, vụ lợi và nhận - đưa tiền, trên tinh thần "nhận lời cảm ơn" và "chia sẻ lợi nhuận".

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận sai nhưng cũng nhiều lần khẳng định "" Việt hay bất cứ cá nhân nào của Việt Á đưa tiền. Ông khai dặn thư ký không nhận lợi ích gì từ doanh nghiệp, nhưng "có thể đã nói gì đó, khiến thư ký hiểu sai".

Trong khi đó bị cáo Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long, khai cựu bộ trưởng nhắn bảo Việt đưa tiền hỗ trợ để "lo công việc". Công việc gì ông Huỳnh không biết nhưng mỗi lần đưa "sếp" một triệu USD.

Phan Quốc Việt từ chối khai kỹ về mối quan hệ với hai người này vì "nhạy cảm", tuy nhiên cũng thừa nhận nhiều lần nhờ vả ông Long qua thư ký Huỳnh, do được dặn "phải giữ tiếng" cho ông Long. Việt nhiều lần chuẩn bị tiền USD đưa cho Huỳnh vì Huỳnh nói "sếp đang có việc cần hỗ trợ".

Việt và cấp phó Hiệp đều khai tiền hối lộ 6 quan chức đều là USD. Việt "xách tay" từ Sài Gòn ra Hà Nội đi biếu trên tinh thần "cảm ơn, chia sẻ lợi ích".

Cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến khai nhận thức 27 tỷ đồng nhận của Việt Á không phải tiền phi pháp nhưng vẫn mượn tài khoản người khác để nhận hộ, không nhận qua tài khoản cá nhân mình. Lời khai này của ông Tuyến bị tòa đánh giá  "cực kỳ mâu thuẫn".

Trong ba ngày diễn ra phiên toà, các nhân viên Việt Á khai là người làm công ăn lương, tổng giám đốc Việt bảo gì làm đó. Họ không biết việc chi % lợi nhuận hay xuất tiền để hối lộ cho ai, vào việc gì, cũng không được hưởng lợi gì. Các cán bộ tại CDC các tỉnh cùng nói nhận thức "thông thầu" là sai luật, nhưng "không còn cách nào khác".

Bị cáo Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long. Ảnh: Ngọc Thành

Đây là vụ đại án đầu tiên xét xử cùng lúc ba cựu ủy viên trung ương và gần 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Sở Y tế và CDC các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương... Tất cả đều liên quan chuỗi sai phạm của Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, khởi nguồn từ đầu năm 2020.

Theo cáo trạng, thời điểm đó Covid-19 bùng phát mạnh, nắm bắt chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y.

Việt bị cáo buộc ngay từ đầu đã có mục đích "biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty".

Khi được Học viện chuyển giao quy trình nghiên cứu kit test, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển mạnh hơn để sản xuất, xin cấp phép lưu hành, bán thương mại. Việt từng khai khi tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test cùng Học viện Quân y và Việt Á "bị thiệt hại nhiều hơn lãi". Việt cũng cho rằng "chỉ Việt Á mới có kit xét nghiệm trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát".

Bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu giám đốc Sở Y tế Hải Dương. Ảnh: Ngọc Thành

Sau khi sản xuất thử nghiệm lô hàng 200.000 kit xét nghiệm đầu tiên bán cho Bộ Y tế, Việt bị cáo buộc đưa hối lộ để nhờ các quan chức bộ ngành tác động để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương kit test với giá 470.000 đồng. Việt cũng "thông thầu" bán sản phẩm tại 21 tỉnh theo hình thức ứng hàng trước, trả tiền sau, núp bóng "chỉ định thầu rút gọn".

Riêng sai phạm "thông thầu" để Việt Á được cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao, đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng. Trong đó việc tiêu thụ gần 680.000 kit test tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương gây thiệt hại 222 tỷ đồng.

Tổng số tiền Việt Á bị cáo buộc hối lộ 6 quan chức là hơn 82 tỷ đồng.

10 ngày trước, trong vụ án liên quan 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y, Phan Quốc Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên 25 năm tù về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; phó Tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.   

Phạm Dự - Thanh Lam