Ông Chu Ngọc Anh khai do chống dịch nên quên trả lại 200.000 USD cho Việt Á
Hôm nay, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ba cựu ủy viên trung ương Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng cùng 35 người liên quan vụ án tại Công ty Việt Á.
Trong vụ án này, ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ông bị cáo buộc gây thất thoát số tiền hơn 18 tỷ đồng - kinh phí đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19 và nhận tiền "cảm ơn" từ Việt Á là 200.000 USD.
Theo tin từ báo Pháp luật TP HCM, tại phiên tòa, ông Chu Ngọc Anh khai bị cáo ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19 trên cơ sở buổi họp Hội đồng tư vấn khoa học. Lúc đó, dịch bệnh cấp bách nên Bộ KH-CN đặt hàng đề tài này với Học viện Quân y.
Kinh phí cấp cho đề tài hơn 18 tỷ đồng là tiền Ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ KH-CN. Sau đó, Bộ KH-CN chuyển về cho Học viện Quân y.
“Theo phân công nhiệm vụ trong Bộ KH-CN, bị cáo không ký các đề tài khoa học mà các thứ trưởng ký. Nhưng trong thời gian dịch bệnh, khẩn cấp thì bị cáo mới ký”- ông Chu Ngọc Anh giải trình.
Trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Chu Ngọc Anh nói rằng Bộ KH-CN có nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định pháp luật. Đối với đề tài, Học viện Quân y nghiên cứu có kết quả thì phải bàn giao lại cho Bộ KH-CN.
Lý giải đề tài bị cáo ký đặt hàng Học viện Quân y nhưng sau này lại nghiệm thu cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh nói rằng lúc đó chỉ quan tâm chống dịch, đề tài do Học viện Quân y là chủ trì, bị cáo có sự buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.
Ông Chu Ngọc Anh thừa nhận truy tố đối với bản thân mình là đúng, xác đáng. Bị cáo ý thức được trách nhiệm của bản thân.
Về số tiền bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á đưa, ông Chu Ngọc Anh khai rằng bị cáo Việt nhờ Chánh văn phòng xin gặp ông để báo cáo tình hình chống dịch của Việt Á. Khi gặp thì bị cáo Việt có gửi túi đồ, sau đó bị cáo có việc bận phải đi, nên không xác định trong túi đồ có gì và tưởng đó là sản phẩm của Việt Á nên vẫn để ở văn phòng.
Sau này, khi bị cáo chuyển về làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì thấy đó là tiền nên nhét vào vali. Ông Chu Ngọc Anh khai rằng có ý định trả lại nhưng chưa thực hiện được vì lúc đó văn phòng ở Hà Nội sửa nên bị cáo nhét về nhà. Các tháng sau chống dịch căng thẳng nên cựu Chủ tịch Hà Nội không nhớ để trả cho doanh nghiệp.
Tại tòa, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận, 10 tháng sau khi test Việt Á được cấp phép tạm thời, ông Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký Bộ trưởng Y tế) có đưa tiền và nói rằng Việt Á làm ăn được thì cảm ơn. Ông Long nói rằng bản thân không gợi ý hay đòi hỏi gì.
Chủ tọa phiên tòa hỏi lại bị cáo Huỳnh, ông Huỳnh khai rằng ông Long có đề nghị hỗ trợ, 2 lần, mỗi lần 1 triệu USD để làm công việc.
Tiếp đó, trả lời HĐXX, ông Long vẫn khẳng định không đòi hỏi, gợi ý và nói rằng trong giai đoạn điều tra đã thành khẩn khai báo và nói với gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận, hơn 2,2 triệu USD.
Theo tin từ Tiền phong, trả lời đầu tiên trong phần xét hỏi, Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt khai rành rọt việc bản thân trực tiếp đưa ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Văn Trịnh (nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD; ông Nguyễn Nam Liên 100.000 USD; ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD.
Riêng ông Nguyễn Huỳnh có lần trao đổi với Việt rằng “chỗ ông Nguyễn Thanh Long đang cần tiền giải quyết công việc”, vì vậy cựu Tổng giám đốc Việt Á đã "hào phóng" đưa hơn 2,2 triệu USD và 4 tỷ đồng tiền mặt. Số tiền này, ông Huỳnh đưa lại cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hơn 2,2 triệu USD và giữ hơn 4 tỷ đồng chi tiêu cá nhân.
Ngoài ra, tại CDC Hải Dương, Phan Quốc Việt khai chỉ đạo thuộc cấp “lại quả” hơn 27 tỷ đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc); cá nhân Việt trực tiếp "biếu" cựu Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng 100.000 USD.
“Bị cáo có rất nhiều kỷ niệm với Hải Dương, trong thời gian dịch, hơn 30 nhân viên của Việt Á đã đến tỉnh này ăn, ở 3 tháng trời, xuyên qua Tết để cùng chống dịch. Sau khi nhận các khoản thanh toán trên hợp đồng, bị cáo đã trích lại lợi nhuận để chia sẻ với họ”, Phan Quốc Việt khai.
Tại CDC các tỉnh, thành phố khác, Tổng giám đốc Công ty Việt Á thừa nhận chỉ đạo "chung chung" sau khi hợp đồng hoàn tất việc thanh toán hợp đồng sẽ chi “hoa hồng” theo thỏa thuận. Việc chi này nhân viên công ty tự thực hiện.