|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cuối năm 2017 thị trường BĐS có thể xảy ra ‘bong bóng’

20:14 | 10/12/2016
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam 2016 chưa xuất hiện dấu hiệu của “bong bóng”, nhưng đến cuối năm 2017 thì hiện tượng này có thể xảy ra. Tuy nhiên, thị trường BĐS năm 2017 sẽ ổn định và chất lượng hơn.
cuoi nam 2017 thi truong bds co the xay ra bong bong
Các chuyên gia đều cho rằng thị trường BĐS 2017 sẽ ổn định và chất lượng hơn (Ảnh: Linh Lê)

Khả năng xảy ra ‘bong bóng BĐS’ vào cuối năm 2017

Ngày 10/12, Hội thảo “Thị trường bất động sản 2016 – 2017: Toàn cảnh và dự báo” được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐStại Việt Nam. Tại hội thảo, GS.TS. Đặng Hùng Võ đánh giá, năm qua thị trường chưa xuất hiện dấu hiệu của “bong bóng”, nhưng đến cuối năm 2017 thì hiện tượng này có thể xảy ra.

Các chuyên gia chia sẻ, “bong bóng” xuất hiện khi tất cả các nguồn vốn đều dồn về BĐS; giá tại các phân khúc đồng loạt tăng từ 30 - 50%; đầu cơ nhiều (khoảng 70%) tạo ra cầu ảo … Thị trường Trung Quốc chính là minh chứng.

“Khả năng sốt cao ở một phân khúc BĐS nào đó vẫn chưa xảy ra trong năm 2016 nhưng thị trường năm 2017 sẽ có sức nóng cao hơn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tính tới việc chuẩn bị các phương án chính sách điều tiết khi gặp sốt giá và tích tụ bong bóng”, GS. Võ nhấn mạnh.

Dự báo về thị trường năm 2017, ông cho rằng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân nhờ tiềm năng du lịch đang lớn. Phân khúc nhà ở vẫn luôn quan trọng và có cơ hội phát triển mạnh bởi cầu lớn trong khi cung không đủ.

Trong khi đó, phân khúc văn phòng cho thuê chưa đủ điều kiện để phát triển mạnh hơn vì cung hiện tại vẫn đủ cho cầu năm 2017. Ngoài ra, BĐS bán lẻ có cơ hội tăng cung nhiều hơn trong quá trình sắp xếp lại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Về nguồn vốn cho phát triển BĐS, FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.

“Mới đây, Thủ tướng yêu cầu sửa Luật đất đai năm 2013 cho thấy Việt Nam đi vào quản lý chặt nhiều hơn là thả cho thị trường tự do phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào chính sách mà nên chủ động hơn trong việc tự điều tiết thị trường. Bởi chính sách chỉ là yếu tố phụ, tài chính và đất đai mới là hai yếu tố tác động chính đến thị trường BĐS”, GS. Võ khẳng định.

Nghịch lý cung – cầu

Một bài toán nghịch lý của thị trường được GS. Đặng Hùng Võ đặt ra là nguồn cung phân khúc trung và cao cấp đến 80% nhưng nhu cầu chỉ khoảng 20%; ngược lại, nguồn cung nhà giá rẻ chỉ có 20% thì lại có lượng cầu đạt tới 80%. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư chi quá mạnh tay vào BĐS nghỉ dưỡng cũng cần cân nhắc khi một số khu vực đã bão hòa nguồn cung so với nhu cầu. Nhà đầu tư nên chú ý những rủi ro đang tồn tại về thời hạn cho sở hữu trong các dự án…

cuoi nam 2017 thi truong bds co the xay ra bong bong
GS. TS. Đặng Hùng Võ: "Năm 2016, nguồn cung phân khúc BĐS trung và cao cấp đến 80% nhưng nhu cầu chỉ khoảng 20%, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ chỉ có 20% thì lại có lượng cầu đạt tới 80%" (Ảnh: Linh Lê)

Ông cho rằng, thị trường BĐS năm 2016 ghi nhận đóng góp của Vingroup khi tham gia phân khúc nhà ở giá trung bình, bởi sau công bố của Vingroup, Mường Thanh khẳng định sẽ tung ra dự án tương tự… Những động thái này tác động rất tích cực đến thị trường khi đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của người dân.

“Đặc biệt, hồi năm 2015 chúng ta đã nhắc đến câu chuyện ai lôi được 15 tấn vàng của người dân đổ vào BĐS thì người đó thắng. Nay thị trường thực sự đã kéo được nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân vào phân khúc nghỉ dưỡng, du lịch. Đây là phương thức đầu tư xã hội hóa, phi truyền thống khi nhà đầu tư cá nhân cùng chia sẻ nguồn vốn với chủ dự án”, GS. Võ phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: “Thị trường BĐS Việt Nam năm 2016 ổn định hơn năm 2015. BĐS tồn đọng gắn với nợ xấu giảm 73,2 – 33,6 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn tháng 1/2015 – 9/2016. Tín dụng cho BĐS tăng trưởng nhanh nhưng vẫn có rủi ro cao…”.

Đứng từ góc độ một chuyên gia nước ngoài, ông Mohamed Ismail Gafoor, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH P&N Holdings cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đang và sẽ vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017.

“Giá nhà tại Việt Nam rẻ hơn nhiều lần ở nước ngoài, cụ thể rẻ hơn 7 – 10 lần so với Singapore. Những tập đoàn BĐS như CapitalLand đã tạo được sự tin tưởng với nhà đầu tư Singapore. Chính sách thuế và việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đã nới lỏng, trong khi, chính quyền Singapore, Hồng Kông, Bắc Kinh lại có rất nhiều loại thuế đánh vào người mua nhà…”, ông Ismail Gafoor phân tích.

Linh Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.