|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TS. Cấn Văn Lực: Tăng trưởng GDP trên 6% là thành công, lạm phát hiện ảnh hưởng tích cực đến P/E

17:20 | 29/06/2021
Chia sẻ
Trong phiên thứ 2 chuỗi talkshow "Thị trường chứng khoán và dự báo", TS. Cấn Văn Lực cho rằng phấn đấu tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu 6% mà Quốc hội đề ra đã là rất thành công. Đặc biệt, cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô nhưng không được chủ quan với lạm phát.

Tăng trưởng GDP 5,64% khá khớp với nhận định của giới chuyên gia

Sau những chia sẻ về tăng trưởng bất ngờ của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên trước, buổi tọa đàm thứ hai về chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” sáng nay (29/6) tiếp tục đánh giá, bình luận về câu chuyện kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm. 

Cũng trong sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61%, trong đó GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. 

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá mức tăng trưởng thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ kế hoạch đầu tư cho 6 tháng đầu năm là 5,8%. Tuy vậy, con số này khá khớp với dự báo đầu tháng 6 của các chuyên gia là 5,5%. 

Xét theo kế hoạch, tăng trưởng kinh tế đã không đạt kế hoạch như Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý I là 5,12%, quý II tăng trưởng 7,11%, 6 tháng là 6,22%. 

Mặc dù vậy, kết quả này vẫn đáng khích lệ khi đánh giá tác động của hai đợt dịch COVID-19 tái bùng phát tương đối nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực: Phấn đấu tăng trưởng GDP trên 6% đã là thành công - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Phấn đấu vượt mức tăng trưởng GDP 6% là thành công

Về dự báo tăng trưởng GDP cả năm, TS. Cấn Văn Lực dự báo mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở từ 6,1 - 6,3%. Mức này thấp hơn mức dự báo của World Bank, IMF hay ADB dành cho thị trường Việt Nam khoảng 7%.

Dự báo của các tổ chức quốc tế là khá lạc quan. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng cần nhìn nhận lại đợt dịch vừa qua đã tác động khá mạnh đến 9 lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Do đó, việc đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó khăn. Việc phấn đấu vượt mức tăng trưởng GDP 6% mà Quốc hội đặt ra đã là khá thành công. Đặc biệt, việc tăng trưởng GDP phải gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt tỷ lệ lạm phát.

Thị trường chứng khoán có thể đi trước kinh tế thực tới 6 tháng

Theo ông Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán là một "hàn thử biểu" của nền kinh tế. Tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ đi trước nền kinh tế thực từ 3 - 4 tháng, thậm chí là 6 tháng. Nhìn vào thị trường, có thể lượng hóa được kỳ vọng của các NĐT vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. 

Thị trường chứng khoán còn là một kênh dẫn vốn quan trọng. Ước tính năm 2015, kênh đầu tư chứng khoán chỉ đóng góp 13% - 15% tổng lượng vốn toàn xã hội. Đến nay, con số này đã nâng lên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tức tốc độ tăng 33,3% sau 5 năm. 

Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng là kênh đầu tư quan trọng và ngày càng hấp dẫn đối với người dân và các doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chung ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, dòng vốn cá nhân và doanh nghiệp sẽ tìm đến thị trường chứng khoán.

TS. Cấn Văn Lực trích dẫn một thống kê về mối liên hệ giữa tỷ lệ lạm phát và triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán tại thị trường Mỹ. Theo ông, lạm phát bình quân chạy từ 1 - 3% là vùng ảnh hưởng tích cực nhất đến hệ số P/E.  

Tại Việt Nam, ước dự báo lạm phát bình quân 6 tháng đạt từ 1,8 - 2%. Mức lạm phát này được cho là đang ảnh hưởng tích cực đến chỉ số P/E thị trường.

Thảo Bùi