|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất điều hành của Việt Nam có thể giảm 1 điểm % ngay trong quý II

16:11 | 11/05/2023
Chia sẻ
Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, trong quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét giảm thêm 1 điểm % lãi suất điều hành.

Chia sẻ tại toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 diễn ra sáng 11/5, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, có nhiều lý do để Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất.

"Giảm lãi suất sớm sẽ tạo tâm lý tích cực nhưng cũng cần 'nghe ngóng' đến lãi suất huy động đầu vào", TS Lực cho hay.

Về dư địa để hạ lãi suất, theo chuyên gia, lạm phát đã và đang giảm dần và kể cả có tăng lên một chút lên 4,5% thì vẫn chấp nhận được.

Thứ hai là, năm nay áp lực lạm phát, áp lực lãi suất, áp lực tỷ giá giảm đi rất nhiều so với năm ngoái và đang đi theo chiều hướng giảm xuống. Đây là một điểm rất tích cực với Việt Nam để giảm lãi suất.

Dư địa thứ ba là thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn quý IV/2022. Ví dụ, tín dụng tăng trưởng tính đến hết tháng 4 là 3,05%, huy động vốn tăng 1,5%, TS. Lực lý giải.

Rất rõ ràng, tín dụng tăng chậm, tiền từ dân cư vẫn vào ngân hàng còn tiền từ các tổ chức kinh tế không vào ngân hàng vì còn phải trang trải rất nhiều chi phí, trong đó có cả chi phí tài chính. 

Thứ tư, năm nay, về cơ bản thanh khoản đã tốt lên, NHNN cũng đang mua vào dự trữ ngoại hối và bơm tiền ra nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

TS. Lực cũng bày tỏ kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt lên, nhanh hơn so với năm ngoái, qua đó bơm tiền ra nền kinh tế, giảm bớt ách tắc khi tiền nằm ở kho bạc Nhà nước hoặc nằm ở hệ thống ngân hàng và giảm bớt chuyện nợ đọng vốn ở các doanh nghiệp với nhau.

Như vậy, vòng quay tiền sẽ nhanh hơn, lượng cung tiền năm nay dự báo khoảng 10% cao hơn mức 6,2% của năm ngoái.

“Chúng ta có đầy đủ dư địa để giảm mặt bằng lãi suất, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta có thể giảm được lãi suất từ 1 đến 2 điểm % từ nay đến cuối năm và bắt đầu ngay trong quý II”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng lưu ý, mức giảm 1-2 điểm % là phù hợp còn nếu giảm lãi suất sâu quá, người dân lại cảm thấy gửi tiền âm và dòng tiền sẽ chạy vào các thị trường đầu cơ. Nếu thị trường chứng khoán, bất động sản ấm trở lại, dòng tiền chạy vào vì lãi suất thấp lại khiến thanh khoản ngân hàng khó khăn hơn.

"Điều hành lãi suất phải dung hoà nhiều mặt trận, nhiều mục tiêu khác nhau và kể cả vấn đề chống lạm phát. Có thể nới mục tiêu lạm phát năm nay lên một chút nhưng cũng không thể chủ quan để lạm phát bùng lên khiến kinh tế vĩ mô bất ổn", TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.  

 TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023. (Ảnh: Hạ An).

Chia sẻ thêm nguyên nhân vì sao mặt bằng lãi suất còn cao, TS. Lực cho rằng, một trong những lý do đó chính là vì năm ngoái, cung tiền ra nền kinh tế rất thấp khiến quan hệ cung - cầu về vốn bị mất cân đối.

Nhu cầu về vốn rất cao trong khi lượng cung tiền thấp, doanh nghiệp và người dân cảm thấy bị thiếu tiền, tình trạng này đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, các tổ chức này đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, gây cuộc đua lãi suất khiến mặt bằng lãi suất vô hình chung đã bị đẩy lên vì cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Do đó, giải pháp căn cơ là phải sớm tái cơ cấu, xử lý những ngân hàng yếu kém để giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, điều này cũng tạo dư địa để hạ mặt bằng lãi suất, chuyên gia Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Hạ An