Cuộc đua xe điện Đông Nam Á: Việt Nam có xe điện nội địa đầu tiên, Thái Lan, Indonesia tung nhiều chính sách hấp dẫn
Tháng trước, việc VinFast nhận đặt trước chiếc xe điện đầu tiên của mình thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dùng. Không thể phủ nhận, xe điện đang trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành xe.
Tại Đông Nam Á, trong vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu tung ra các cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích và thu thúc đầu tư vào mảng xe điện.
Cuối năm 2020, Thái Lan triển khai gói kích thích để thúc đẩy hoạt động sản xuất xe điện trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á muốn "lôi kéo" các công ty mới nổi ở Trung Quốc đang phát triển các công nghệ năng lượng mới, theo Nikkei.
Trong chương trình này, phân khúc doanh nghiệp đang triển khai các dự án xe điện với quy mô từ 165 triệu USD trở lên sẽ được miễn thuế doanh nghiệp trong 8 năm. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng miễn thuế đối với 4 linh kiện quan trọng trong các dòng xe điện, bao gồm bánh răng giảm tốc và hệ thống phanh tái sinh (RBS).
Mục tiêu của những chính sách kích thích nói trên là để tăng tỷ trọng sản xuất xe điện trong nước lên 30% vào năm 2030.
Bà Duangjai Asawachintachit, Thư ký Uỷ ban Đầu tư Thái Lan, nói rằng cơ quan này phê duyệt gói kích thích để "đáp ứng những thay đổi lớn đang diễn ra trong ngành xe toàn cầu". Đồng thời, bà khẳng định những biện pháp trên sẽ "tăng tốc quá trình phát triển sản xuất xe điện và các chuỗi cung ứng có liên quan ở Thái Lan".
Ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất xe Nhật Bản đang "thống trị" thị trường xe Thái Lan khi chiếm khoảng 90% trong tổng số 2 triệu xe sản xuất mỗi năm.
Dù vậy các công ty Trung Quốc với công nghệ xe điện cũng bắt đầu thu hút sự chú ý trong vài năm trở lại đây. Great Wall Motors đang đặt mục tiêu sẽ đưa vào vận hành nhà máy xe điện sớm nhất vào năm 2021 ở Thái Lan trong khi tiếp tục nộp hồ sơ để hưởng các ưu đãi. SAIC Motor, một công ty Trung Quốc khác đã hoạt động ở Thái Lan, cũng sẽ sớm xây dựng nhà máy xe điện.
Nikkei nhận định các nhà sản xuất Nhật Bản có thể sẽ sớm phải đối mặt với thực tế sự "thống trị" suy giảm nếu không kịp thích ứng với việc Thái Lan đang nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện.
Thái Lan không phải quốc gia duy nhất có những tham vọng lớn ở mảng xe điện. Trước đại dịch, chính phủ Indonesia từng đặt ra mục tiêu tham vọng rằng 20% số lượng xe sản xuất tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á sẽ đến từ mảng xe điện và xe lai vào năm 2025.
Trong khi đó Indonesia là một quốc gia giàu có các tài nguyên như coban, kẽm và mangan (các tài nguyên quan trọng trong viên pin xe điện) nên có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư xe điện.
Huyndai Motors cho biết đang tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất "xe điện dành cho thị trường Đông Nam Á" ở nhà máy Indonesia. Hãng cũng "cam kết sẽ giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái xe điện" của quốc gia này.
Theo Bangkok Post, Tập đoàn Hàn Quốc xác nhận xây dựng một nhà máy lắp ráp mới ở Indonesia với giai đoạn 1 hoàn thiện vào cuối năm 2021.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Toyota ra mắt mẫu xe điện Lexus ở Indonesia. Đây là cột mốc quan trọng bởi đây là chiếc xe điện đầu tiên của một hãng xe Nhật Bản bán ở Đông Nam Á.
Tương tự Thái Lan, chính phủ Jakarta giảm thuế cho các dòng xe ít khí thải và đang dần thay thế những chiếc xe phục vụ chính phủ bằng xe điện. Các trạm sạc cũng là một vấn đề nhận nhiều sự quan tâm. Indonesia đặt mục tiêu có hơn 1.500 trạm sạc vào năm 2024. Đây là một mục tiêu cực kỳ tham vọng bởi năm ngoái con số này dừng lại ở 14.