|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua trên thị trường bánh kẹo

22:30 | 06/12/2017
Chia sẻ
Khi các thương hiệu bánh kẹo ngoại ồ ạt thâm nhập thị trường Việt Nam với mẫu mã sản phẩm đẹp, sang trọng, chất lượng tốt, doanh nghiệp (DN) Việt Nam khá chật vật để giành lại thị phần. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, hàng ngoại vào thị trường Việt Nam chính là chất xúc tác buộc DN trong nước phải “chuyển mình” thật sự để thích nghi với cuộc cạnh tranh mới.

Áp lực giữ thị phần

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay đối với mảng bánh kẹo cao cấp, DN trong nước phải rất nỗ lực mới có cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập. Từ mầu sắc, mẫu mã, chủng loại, cách thức tiếp thị phân phối,... sản phẩm của các công ty nước ngoài có sự đầu tư công phu, tỉ mỉ, cho nên dù giá bán cao hơn nhưng lại rất được khách hàng thành thị ưa chuộng.

cuoc dua tren thi truong banh keo
Người tiêu dùng chọn mua bánh kẹo tại siêu thị VinMart (Hà Nội). Ảnh: Minh Khôi

Ở các thành phố lớn, các tên tuổi như Tous Les Jours, Paris Baguette, Orion (Hàn Quốc), Bread Talk (Xin-ga-po), Mars, Kraf Food, Mondelez (Mỹ), Euro Cake (Thái-lan),... đã trở nên phổ biến. Nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam, nhất là người dân sống tại các vùng nông thôn thường ưa chuộng hàng có chất lượng bảo đảm mà giá thành hợp lý, không ít DN bánh kẹo trong nước lựa chọn đưa sản phẩm về thị trường nông thôn để né tránh sự cạnh tranh khốc liệt từ các “đại gia” ngoại ngay tại sân nhà. Thời gian gần đây, sản phẩm bánh kẹo của Hữu Nghị, Hải Hà, Hải Châu,... có xu hướng “bỏ phố về làng”, chiếm lĩnh thị trường nông thôn với giá cả bình dân và khẩu vị phù hợp.

Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cho biết, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của NTD cả về khẩu vị, thị hiếu, công ty chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, cũng không bỏ bất kỳ phân khúc thị trường nào, từ cao cấp đến bình dân.

Với phân khúc cao cấp, công ty thuê thiết kế từ nước ngoài để có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp hiện đại và hình ảnh sinh động. Với phân khúc hàng bình dân, Hữu Nghị chấp nhận giảm lợi nhuận, tập trung xây dựng chiến lược giá thành hợp lý để giữ vững thị trường khu vực nông thôn, nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí giá rẻ, chất lượng bảo đảm. Ngoài ra, công ty cũng mở rộng mạng lưới mới với hàng trăm nhà phân phối và gần 200 nghìn đại lý bán lẻ. Sự “bứt phá” của các DN sản xuất bánh kẹo trong nước đã khiến nhiều siêu thị ưu tiên lựa chọn nhiều mặt hàng sản xuất trong nước thay vì hàng nhập khẩu. Giám đốc siêu thị Co.op Mart miền bắc Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các mặt hàng bánh kẹo Việt Nam tại siêu thị luôn chiếm hơn 90% số gian hàng. Bánh kẹo trong nước thời gian gần đây từ chất lượng đến mẫu mã đều tương đương một số sản phẩm nhập khẩu, giá lại rẻ hơn, được NTD chọn mua nhiều.

Theo đánh giá của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế BMI, thị trường bánh kẹo Việt Nam trong năm 2017 có tốc độ tăng trưởng từ 8,5 đến 9% và ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN được bãi bỏ. Từ tác động đó, các thương hiệu bánh kẹo trong nước như Hải Hà, Hữu Nghị, Tràng An,… đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, bánh kẹo trong nước từng bước giành lại thị phần và chiếm vai trò dẫn dắt thị trường.

Nỗ lực tìm lợi thế riêng

Dù thị trường trong nước đang tràn ngập bánh kẹo nhập khẩu và ngày càng cạnh tranh gay gắt, nhưng bối cảnh này cũng chính là động lực để DN trong nước nỗ lực đầu tư, tìm lợi thế riêng. Với xu hướng quay trở lại với bánh kẹo trong nước do hướng đến sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm xuất xứ đã tác động rất rõ đến việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh và sử dụng của các tiểu thương cũng như NTD. Nếu biết tận dụng lợi thế, phát huy và kết hợp với các chiến lược phù hợp thì bánh kẹo trong nước hay nhập khẩu đều có cơ hội chiếm được sự tin dùng của khách hàng.

Theo một số chuyên gia, để cạnh tranh sòng phẳng với bánh kẹo nhập khẩu, nhà sản xuất trong nước trước hết phải phát huy được những lợi thế của mình như am hiểu khẩu vị, văn hóa, tập quán tiêu dùng của khách hàng, đầu tư nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm phù hợp văn hóa của người Việt.

Quan trọng nhất là phải nắm bắt được sự thay đổi trong xu hướng của NTD hướng đến chất lượng với mẫu mã hiện đại, sang trọng và bắt mắt. Chẳng hạn, dòng bánh biếu tặng trong dịp Tết phải được thiết kế với mẫu mã tinh tế, mầu sắc rực rỡ và mang đậm không khí Tết cổ truyền của người Việt Nam. Nếu dung hòa được các yếu tố này, cơ hội cho bánh kẹo trong nước vẫn còn. DN cần quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới bao bì và đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, bảo đảm tính tiện lợi, dễ tìm mua cho NTD, cũng như chú trọng công tác truyền thông quảng bá.

Có thể thấy, trong một thời gian khá dài, bánh kẹo nhập khẩu xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta và không ngừng gia tăng thị phần, đã buộc các DN bánh kẹo trong nước phải tự đổi mới. Nếu không có chiến lược kinh doanh tốt và cách triển khai bài bản, các DN bánh kẹo trong nước khó có thể tồn tại. Ngoài sự đầu tư vào công nghệ, dây chuyền, phải kể đến sự đầu tư trong việc tương tác giữa các kênh phân phối từ thành thị đến nông thôn. Một điểm cần lưu ý nữa là các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước cần liên kết với nhau hoặc mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Minh Khôi

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.