Cuộc đua thanh toán một chạm tại Việt Nam thêm nóng
Ngày 1/4, Garmin công bố mở rộng hợp tác với 5 ngân hàng: ACB, MB, Sacombank, Techcombank và Vietcombank để mang đến cho người dùng tùy chọn thanh toán một chạm thông qua ứng dụng Garmin Pay trên 22 mẫu đồng hồ thông minh.
Theo giới thiệu, đây là một nền tảng thanh toán không tiếp xúc giúp người dùng thực hiện nhanh chóng các giao dịch. Garmin Pay được xây dựng trên một nền tảng mở không phụ thuộc vào hệ điều hành iOS và Android, ứng dụng thanh toán này không đòi hỏi kết nối với điện thoại và người dùng chỉ cần thực hiện thanh toán bằng thao tác chạm đồng hồ Garmin vào máy POS.
Cách thức thanh toán thông qua đồng hồ thông minh có ưu điểm là không cần phải mang ví hay điện thoại, phù hợp với những người có thói quen chơi thể thao. Bên cạnh đó, người dùng sẽ hạn chế nguy cơ để lộ lọt thông tin so với thẻ vật lý.
Ông Scoppen Lin, Phó Tổng Giám Đốc Garmin châu Á, cho biết với sự hỗ trợ của các ngân hàng tại Việt Nam, Garmin Pay có thể được tiếp cận bởi nhiều người dùng hơn.
Theo vị lãnh đạo, hệ thống bảo của Garmin Pay cho phép các thông tin thẻ ngân hàng được giữ kín thông qua mã giao dịch cho mỗi lần mua hàng. Khi trả phí, số thẻ thanh toán sẽ không được lưu trữ trên thiết bị, trên hệ thống của Garmin hay gửi tới nhà bán hàng mà dựa trên số thẻ cụ thể của từng chiếc đồng hồ.
Trong trường hợp người dùng tháo đồng hồ ra khỏi tay hoặc tắt thiết bị theo dõi nhịp tim, đồng hồ sẽ yêu cầu nhập lại mật mã trước khi thanh toán.
Ngoài ra, Garmin Pay sẽ tự động khóa ví khi người dùng nhập sai mật khẩu ba lần. Khi đó, họ sẽ phải đặt lại mật khẩu trong ứng dụng Garmin Connect để tiếp tục.
Dịch vụ thanh toán ít chạm ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 2017 khi Samsung Pay tiên phong đưa hình thức thanh toán mới này tới thị trường. Tuy vậy, sức hút của Samsung Pay không đủ lớn, một phần do người dân chưa thông thạo các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Đến tháng 8 năm ngoái, sự kiện Apple Pay ra mắt đã thực sự khuấy động dịch vụ thanh toán ít chạm tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, Apple Pay đã liên kết với một số ngân hàng như Vietcombank, MB Bank, Techcombank, ACB, VPBank, Sacombank. Ngoài ra, những hệ thống chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay cũng là những đơn vị tên tuổi, quy mô lớn như Starbucks, Phúc Long, Mc Donald's, Highlands Coffee, Winmart.
Nhờ lợi thế đó, cộng thêm lượng người dùng iPhone đông đảo, đã giúp Apple nhanh chóng chiếm lấy vị thế nhất định. Điều mà Samsumg Pay phải chật vật trong gần 10 năm.
Ngoài Apple và Samsung Pay, thị trường Việt Nam còn đang có sự hiện diện của Google Pay - hình thức thanh toán ít chạm được ra mắt vào cuối năm 2022. Google Pay được hỗ trợ trên các điện thoại chạy hệ điều hành Android.
Thành công của Apple Pay, Samsung Pay hay Google Pay thời gian qua cũng được hỗ trợ nhờ xu thế thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam.
Tháng 1/2024, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian này, giao dịch internet banking tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị. Giao dịch ngân hàng di động tăng 68,54% về lượng và 41,12% về giá trị. Thanh toán bằng mã QR tăng vọt 892,95% về số lượng và 1.062% về giá trị.
Theo nghiên cứu mới nhất của Visa, 88% người tiêu dùng Việt Nam đã dần dịch chuyển qua việc qua trải nghiệm mua sắm không dùng tiền mặt. Điều này được thúc đẩy bởi phân khúc dẫn đầu xu hướng là Gen Z và Gen Y khi ít nhất 4/5 người đã chuyển đổi thành công.
Thanh toán không tiếp xúc đã trở thành xu hướng tại Việt Nam với sự hưởng ứng chủ yếu từ Gen X, Gen Y, và người có thu nhập trung bình cao. Cứ 2/5 người tiêu dùng sẽ sử dụng hình thức này để thanh toán, trong đó, Gen X và người có thu nhập trung bình cao chiếm đa số. 9/10 người quan tâm đến việc trải nghiệm thử các loại thẻ không chạm.