Cuộc chiến trong ngành nhựa
Ảnh minh họa. |
Cuộc gọi lúc nửa đêm của Hana Trương, đại diện một quỹ đầu tư mạo hiểm vào thị trường mới nổi tại thung lũng Silicon, làm ông Hùng thức giấc. Hơn 2 tháng trước, khi cầm trong tay giấy phép gia hạn nhập khẩu nguyên liệu nhựa, vị chủ tịch doanh nghiệp với 25 năm kinh nghiệm trong nghề nhựa này vẫn trăn trở về nguồn vốn lưu động kinh doanh. Mặc dù dự đoán đúng được xu thế tăng giá nhựa nguyên liệu trước biến thiên đi lên ngắn hạn của giá dầu, nhưng cái khó của việc xin tài trợ thương mại L/C từ các ngân hàng nội địa vào thời điểm cuối năm làm cho ông phải suy nghĩ và quyết tâm tìm những cánh cửa mới.
Đêm nay, với quyết định đồng thuận rót hơn 1,5 triệu USD cấp vốn giai đoạn I từ quỹ đầu tư Mỹ đã giúp ông thực hiện được lời hứa về cái Tết sung túc cho hơn 300 nhân viên công ty tại Bình Dương. Tuy nhiên, mùa xuân của hơn 3.000 ông chủ doanh nghiệp nhựa khác sẽ có nhiều màu sắc khác. Bởi lẽ, được ví như chú ngựa đầu đàn sung sức nhất trong nền kinh tế Việt với mức tăng trưởng bình quân “phi mã” mỗi năm 18%, ngành nhựa mở đầu năm 2017 với chướng ngại vật mới.
Hạt nhựa PP, nguyên liệu chính của hơn 2.400 doanh nghiệp sản xuất nhựa bao bì và nhựa gia dụng, sẽ có mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp ba lần kể từ đầu tháng 1.2017. Việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Trong thế trận giằng co đa chiều, họ cần có kế sách nào để vừa phải giữ vững thị phần với các đối thủ nội địa và phòng vệ trước tham vọng muốn vẽ lại miếng bánh thị phần tại Việt Nam của các tập đoàn nhựa từ Thái Lan, Nhật, Malaysia và Indonesia?
Sức ép M&A
Trải dài từ Bắc vô Nam, doanh nghiệp nhựa nội đứng trước áp lực chung trở thành mục tiêu mua lại của các công ty đa quốc gia trong khu vực. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhựa xây dựng, SCG Thái Lan không chỉ nắm hơn 20% cổ phần quân át chủ bài ở thị trường miền Nam là Nhựa Bình Minh mà còn nắm 23,84% cổ phần của Nhựa Tiền Phong, một doanh nghiệp lớn ra đời nửa thế kỷ trước ở phía Bắc. Thông qua “cánh tay dài” là công ty con TC Flexible Packaging, SCG gián tiếp chi ra khoảng 44,4 triệu USD để sở hữu 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), thuộc nhóm 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì.
Doanh nghiệp sản xuất nhựa luôn duy trì mức tăng trưởng trên 11% trong suốt 5 năm qua. Ảnh: Sơn Phạm |
Vị Chủ tịch Kan Trakulhoon của Tập đoàn SCG từng khẳng định sẽ tiếp tục rót thêm vốn đầu tư và thâu tóm, nhằm mục tiêu chiếm thị phần tại Việt Nam. Thực tế, việc thâu tóm còn diễn ra thần tốc trên diện rộng. Chỉ trong vòng 2 năm, SCG đã sở hữu cổ phần của 22 doanh nghiệp nội địa.
Trong một diễn biến khác, nhà đầu tư Nhật tăng tốc quá trình thâu tóm doanh nghiệp nhựa Việt Nam với mục tiêu đón đầu xuất khẩu ngược về Nhật khi quốc gia này trong năm qua đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nhựa bao bì lớn nhất của Việt Nam. Nước cờ của người Nhật đã khiến Công ty Bao bì United, Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun, Công ty Nhựa dân dụng Đông Á lần lượt về tay các tổ chức đầu tư của Nhật.
Cũng thời gian này, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng gia tăng quyền chi phối thị trường nhựa tại Việt Nam thông qua hoạt động mua gom cổ phiếu của các công ty nhựa niêm yết. Cụ thể, biến cố lịch sử tại công ty 40 năm tuổi Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) có “dấu vết gom hàng” của nhà đầu tư Hàn Quốc trong một thời gian dài khiến nội bộ của doanh nghiệp này lao đao dẫn tới phải hủy niêm yết. Để rồi một năm sau trở lại UPCoM, toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của TTP đã “Hàn hóa” nắm quyền chủ quyết hơn 42% cổ phần và cựu Chủ tịch Lê Minh Cường lui về sở hữu chỉ hơn 23% cổ phần.
Nhìn lại một năm gian nan, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP.HCM, từng cho rằng sức ép đa chiều gia tăng khiến không ít doanh nghiệp đã phải chuyển giao một phần cho khối ngoại với hy vọng tạo thêm lực đẩy mới về tài chính, công nghệ và thị trường xuất khẩu mới. Với mức thuế suất 3% đánh vào các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu, trong đó có hạt nhựa PP, được các chuyên gia trong ngành đánh giá như chiếc vòng kim cô siết chặt lợi nhuận của các doanh nghiệp nhựa nội địa.
Sản xuất ống tại Nhựa Bình Minh. Ảnh: Thuận Thắng |
Thế giằng co
Trở về thời điểm nửa năm trước, trong một nỗ lực liên minh nhằm tạo điều kiện bảo hộ các doanh nghiệp nội địa trước vòng vây của các đối thủ lớn trong khu vực ASEAN trên chính sân nhà, Hiệp Hội Nhựa Việt Nam gửi công văn “kêu cứu” lên Bộ Tài chính, đề xuất xin hoãn áp dụng mức thuế suất 3%. Ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khi ấy đã lý giải nguyên nhân của mức thuế mới này là do Việt Nam cần tuân thủ các cam kết tại Hiệp định WTO đã ký kết. Một trong những trụ đỡ trấn an các doanh nghiệp trong ngành chính là nguồn nhựa PP do các nhà máy lọc dầu nội địa sẽ đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, nguồn cung nhựa nguyên liệu nội địa là diễn biến theo chiều hướng khác. Hiện nay, mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình khoảng 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC và hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau. Trong năm 2020, dự báo số nguyên liệu cần có để phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa khoảng 5 triệu tấn. Nguyên liệu đầu vào nhập khẩu mỗi năm lên đến 70-80%, sẽ làm giảm sức cạnh tranh và doanh nghiệp xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Ba khu hóa nhựa ở Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Vũng Tàu (Bà Rịa) tổng cộng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu, bao gồm luôn cả nguồn cung từ ngành công nghiệp tái chế nhựa. Để thoát khó, mỗi doanh nghiệp nhựa lại tìm một giải pháp riêng. Trong lĩnh vực bao bì nhựa đang là thế mạnh lớn của Việt Nam, một phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 37% trong cơ cấu ngành nhựa, có gương mặt sáng giá là Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA).
Trong thời gian ngắn, lãnh đạo công ty này thực hiện chiến lược mở rộng nhà máy và nâng cấp công nghệ nhằm bảo vệ tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 95% doanh thu 2.000 tỷ đồng năm ngoái. Với 7 nhà máy hoạt động ngày đêm tập trung vào sản phẩm truyền thống như túi siêu thị, màng nhựa, túi đựng rác, mức lợi nhuận cả năm 2016 đạt gần 143 tỷ đồng, vượt 43% so với kế hoạch, trở thành điểm sáng đem lại hy vọng cho cả nhà đầu tư và các bộ nhân viên.
Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã xuất khẩu gần 160 thị trường trên thế giới. Ãnh: Sơn Phạm |
Năm 2017, AAA đưa vào hoạt động nhà máy mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng bao bì mềm thực phẩm với mục tiêu duy trì được lợi nhuận cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu này. Có lẽ đây là một trong số những doanh nghiệp nhựa thành công trong năm 2016 với giá cổ phiếu AAA đã tăng gấp 3 lần, đồng thời doanh nghiệp đạt được sự tin tưởng của nhà đầu tư khi họ đồng thuận gia hạn thời gian nắm giữ chứng quyền chuyển đổi sang năm 2018.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tự tin với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 ước đạt 2.900 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, bảo đảm lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng vốn, thu nhập trên cổ phiếu tăng trưởng 2 con số. “Chúng tôi có một cái Tết lớn và vui vì được thưởng cổ phiếu ưu đãi”, anh Nguyễn Duy Hoàng, một nhân viên điều khiển máy cán màng có thâm niêm 5 năm tại AAA, hồ hởi chia sẻ.
Hiển nhiên, tiềm năng tăng trưởng phụ thuộc vào các ngành như thực phẩm, đồ uống. Riêng nhóm bao bì PET có thể chia ra thành 3 phân khúc chính: phôi - chai PET, nhãn, nút - nắp và được xem là ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành ngành công nghiệp đồ hộp, đồ uống, ngành hàng tiêu dùng và hóa chất.
Theo BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng mạnh 10,2% của năm ngoái, trong đó thị trường nước giải khát trà xanh đóng chai, trà thảo mộc sẽ có tốc độ tăng trung bình trên 24%. Năm qua, bỏ ngoài những chi phí phát sinh do đầu tư trái ngành vào lĩnh vực thực phẩm, Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) vẫn củng cố vị trí dẫn đầu thị trường phôi, chai nhựa PET tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 15%/năm.
Năm nay, thế trận “nhị phân thị trường” trong lĩnh vực nhựa xây dựng, cả hai doanh nghiệp Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh sẽ có nhiều chiến thuật mới. Họ mở rộng thị phần bằng cách thâm nhập chéo vào sân chơi của đối thủ (Nhựa Năm Sao bị NTP mua lại và mong muốn sáp nhập Nhựa Đà Nẵng của BMP) và cạnh tranh trong bãi đáp mới ở khu vực miền Trung, nơi thị trường ống nhựa chưa có ngôi vương. Bên cạnh đó, cả hai đang âm thầm cuộc chiến về mức tỷ lệ chiết khấu cao khoảng 11-17% và các chính sách khác cho đại lý lâu năm.
Đằng sau thế trận giằng co của hai doanh nghiệp đầu ngành còn là cuộc đua nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù đây vẫn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trả lời NCĐT, lãnh đạo của BMP cho rằng sự xuất hiện của những “bậc thầy” am hiểu công nghệ và thị trường thì việc nới room lên 100% cho khối ngoại đã được chấp thuận trong Đại hội đồng cổ đông của BMP năm ngoái.
Như vậy, việc SCG có thể gia tăng quyền lực thông qua thâu tóm cổ phiếu BMP và NTP là hoàn toàn có thể xẩy ra khi SCIC buộc phải tuân thủ lộ trình thoái vốn nhà nước. Tại thời điểm hiện tại, với mức EPS của BPM ở ngưỡng 14,310 cuối năm 2016 tức gấp hơn 2,8 lần của NTP, thì SCG cũng phải bỏ ra một khoản không nhỏ nếu muốn hoàn thành tham vọng thâu tóm lịch sử này.
Cơ hội từ đồng Euro yếu
Cuộc phá vây của các doanh nghiệp nội quy mô nhỏ cũng không tránh được các tác động vĩ mô từ biến thiên đồng USD mạnh và rào cản thuế nhập khẩu 3%. Tăng kho hàng dữ trữ nhằm tránh những cú sốc về giá nguyên liệu đã được Tập đoàn Tân Á Đại Thành triển khai với số vốn đầu tư 70 triệu USD bao gồm máy móc, thiết bị và xây dựng 20 tổng kho tại miền Bắc và miền Trung với sức chứa 70.000 tấn sản phẩm, tương đương giá trị 3.000 tỷ đồng. Công ty EuroPipe mạnh tay chi ra 400 tỷ đồng đầu tư dây chuyền chuyên sản xuất ống nhựa HDPE, ống nhựa chịu nhiệt PPR, ống nhựa PVC.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu tăng thuế nhập khẩu lên 3% thì chi phí phát sinh do tăng giá nhập khẩu mà các doanh nghiệp nội phải trả cho doanh nghiệp xuất khấu trong khu vực FTA năm 2017 sẽ là 1.870 tỷ đồng. Hiện nay, tại thị trường Mỹ, chỉ số nguyên liệu và hạt nhựa tham chiếu PPIJPRAM Index mở đầu năm 2017 đã tăng nhẹ. Do đó, ngoài áp lực giá hạt nhựa sẽ tăng, doanh nghiệp nhựa Việt Nam còn chịu sức ép về chi phí thuế nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông Võ Nguyễn Xuân Tùng, quản lý của Batico, mức thuế 3% được xếp vào nhóm rủi ro mà doanh nghiệp không kiểm soát được, phải chấp nhận cuộc chơi thị trường. Đổi lại, việc đồng Euro lần đầu tiên trong lịch sử có tỷ giá giao dịch ngang bằng với USD, tạo nên cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhựa như Batico. Batico trong năm 2017 đã lên kế hoạch nhập khẩu máy phun ép, máy đùn-thổi màng từ các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp để tranh thủ thời điểm vàng tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị sản xuất.
Theo chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), ngành nhựa năm 2017 sẽ duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp lần lượt với nhựa xây dựng và nhựa bao bì là trên 20% và 15% nhưng đối mặt với sự phân hóa mạnh. Rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn là điểm cần lưu ý ở các doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Các doanh nghiệp nhựa nội địa có tỷ lệ vay nợ ngắn hạn khá cao, trung bình khoảng 70% và nợ dài hạn là 30%. Điều này khiến hệ số thanh toán nhanh của các doanh nghiệp khá thấp, ngoại trừ BMP có hệ số thanh toán nhanh cao nhất là 4,25. Các khoản vay nợ ngắn hạn này dùng để tài trợ cho vốn lưu động bao gồm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, đầu tư máy móc thiết bị.
Theo chia sẻ của Giám đốc ngân hàng Techcombank Chi nhánh phía Nam, người quản lý tín dụng vài doanh nghiệp nhựa, năm 2017 sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn.