Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm thay đổi hoạt động kinh doanh toàn cầu
Trong ảnh: Tỷ phú Jack Ma phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tạp chí The Economist, Alibaba là công ty thành công và giá trị nhất của Trung Quốc, trị giá lên đến 400 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Alibaba là một sản phẩm lai giữa các siêu cường vì cổ phiếu của Alibaba chỉ được niêm yết ở Mỹ. Theo Bloomberg, đến nay Alibaba mới đang xem phát hành 20 tỷ USD cổ phiếu tại Hong Kong (Trung Quốc).
Diễn biến này là do nguy cơ Mỹ gia tăng các biện pháp gây áp lực nhằm vào những lợi ích của Trung Quốc và thị trường vốn Hong Kong ngày càng phát triển. Còn một danh sách dài các công ty Trung Quốc có dấu hiệu muốn giảm sự phụ thuộc của mình vào các thị trường vốn phương Tây.
Alibaba lần đầu tiên niêm yết công khai vào năm 2014. Mặc dù có trụ sở tại Hàng Châu và 91% doanh thu là từ Trung Quốc đại lục, nhưng Alibaba đã chọn niêm yết cổ phiếu tại New York, nơi có thị trường vốn phát triển nhất thế giới.
Các ngân hàng Phố Wall bảo lãnh cho việc chào bán. Ông chủ của Alibaba, Jack Ma, đã được tung hô trong tầng lớp cấp cao ở Manhattan như là một nhà tư bản tự do mà người Mỹ có thể cùng làm ăn. Jack Ma không đơn độc, hiện nay 174 công ty Trung Quốc khác cũng chủ yếu niêm yết cổ phiếu của họ tại Mỹ với tổng giá trị thị trường là 394 tỷ USD, trong đó có cả các ngôi sao công nghệ là Baidu và JD.com.
Tuy nhiên, Alibaba đã thấy nước Mỹ không còn hiếu khách như trước nữa. Tháng 1/2018, Ant Financial, bộ phận thanh toán của Alibaba, đã bị chặn khi muốn mua lại MoneyGram - một công ty đối thủ của Mỹ, vì lý do an ninh quốc gia.
Đến tháng 11/2018, vầng hào quang của Jack Ma tại Mỹ đã tuột dốc khi có thông tin tiết lộ rằng ông là một đảng viên Cộng sản và giống như nhiều nhà tài phiệt Trung Quốc khác, ông sẽ nghỉ hưu trong năm 2019. Các ông chủ ở Thung lũng Silicon xì xào bàn tán với nhau rằng kinh doanh trên nền tảng đám mây toàn cầu của Alibaba là một mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ.
Nếu đầu tư vào các công ty mới thành lập, Alibaba sẽ phải đối mặt với một bộ luật mới, luật FIRRMA, theo đó việc các công ty nước ngoài mua “công nghệ quan trọng” phải được xét duyệt. Alibaba vẫn chưa bị tấn công như người đồng hương Huawei, nhưng tâm trạng rất căng thẳng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng từ thuế quan sang nhiều lĩnh vực khác như dẫn độ pháp lý, đầu tư mạo hiểm và hệ thống thanh toán toàn cầu bằng USD. Thật dễ dàng để thấy việc niêm yết ở Mỹ có thể trở nên dễ bị tổn thương như thế nào. Ví dụ, nếu Trung Quốc tẩy chay Apple hoặc Boeing, Mỹ có thể đáp trả bằng cách đình chỉ giao dịch cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và ngăn chặn các công ty này huy động vốn.
Trung Quốc đại lục là thị trường vốn rộng lớn nhưng chưa thể thay thế Phố Wall. Hong Kong, trung tâm ngoại vi của Trung Quốc, chưa đủ mạnh song đây đã trở thành một địa điểm thay thế hợp lý cho các công ty toàn cầu của Trung Quốc. Sau khi thay đổi quy định vào năm 2018, bây giờ Hong Kong chào đón cả các công ty có hai loại cổ phiếu.
Hong Kong đã mở rộng vai trò của mình với việc cho phép các nhà đầu tư đại lục có thể mua cổ phiếu và các nhà đầu tư toàn cầu tiếp cận được với Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường Hong Kong đã huy động thông qua niêm yết được nhiều tiền (37 tỷ USD) hơn so với sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq hay New York.
Sự nổi lên của Hong Kong đi cùng với sự suy giảm vai trò bá quyền của phương Tây đối với tài chính cấp cao của châu Á. Một thập kỷ trước, các ngân hàng Trung Quốc chỉ là kẻ bên ngoài. Bây giờ các công ty Phố Wall không còn quan trọng như trước đây.
Năm ngoái, 7 trong số 20 nhà bảo lãnh phát hành cổ phiếu hàng đầu ở châu Á là các công ty Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc là một trong những người cho vay xuyên biên giới lớn nhất ở châu Á. Mỹ vẫn kiểm soát hệ thống thanh toán bằng USD, nhưng theo thời gian, điều này cũng có thể thay đổi.
Với việc niêm yết ở Hong Kong, Alibaba sẽ có thêm một nơi để huy động vốn. Alibaba vẫn có doanh số bán hàng khả quan, với mức tăng trưởng 51% trong năm 2018. New York sẽ vẫn phát triển mạnh như là một trung tâm tài chính, ngay cả khi các công ty Trung Quốc bắt đầu né tránh.
Nhưng thông điệp lớn hơn là, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, mạng lưới quan hệ tài chính và thương mại toàn cầu vô cùng phức tạp đang điều chỉnh. Các công ty sản xuất lớn đang thay đổi chuỗi cung ứng của họ. Các nhà bán lẻ đang chuyển dịch nguồn cung để hàng hóa bán ở Mỹ không phải sản xuất tại Trung Quốc.
Các ngân hàng đang hạn chế quan hệ với các đối tác mà có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và ngay cả các công ty thành công nhất thế giới, như Alibaba, cũng cảm thấy cần một kế hoạch dự phòng./.