|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến khác của Ukraine: Bảo đảm sự sống còn của các doanh nghiệp trong nước

10:20 | 04/03/2024
Chia sẻ
Ngoài nỗ lực nhằm đẩy lui quân đội Nga, người Ukraine còn đang dốc sức trong cuộc chiến thầm lặng nhằm bảo vệ nền kinh tế quốc gia.

Cửa sổ kính vỡ vụn ở Ukraine. (Ảnh: WSJ). 

“Để thắng, Ukraine cần nền kinh tế mạnh hơn Nga”

Ông Igor Liski muốn thay thế những cửa kính đã hỏng ở Ukraine. Sau hai năm Nga - Ukraine giao tranh, rất nhiều ô cửa kính đã vỡ trên đất nước Đông Âu.

Theo Wall Street Journal (WSJ), ông Liski muốn xây một nhà máy sản xuất kính gần Kiev với quy mô khoảng 240 triệu USD. Ông đang liên lạc với các nhà cung cấp thiết bị ở châu Âu và sẵn sàng đầu tư 80 triệu USD cho dự án, nhưng gặp khó khăn với phần vốn còn lại. Các ngân hàng đều ngần ngại cho vay trong thời chiến.

Ông Liski, nhà đầu tư người Ukraine, cho biết: “Rắc rối lớn nhất không phải là con người hay công nghệ, mà là huy động vốn cho dự án”.

Cuộc đấu tranh để bảo vệ nền kinh tế Ukraine không thu hút được nhiều sự chú ý bằng nỗ lực của phương Tây nhằm cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này cũng có ý nghĩa to lớn không kém. Hoạt động thương mại tạo ra việc làm, doanh thu thuế và nguồn lực để quân đội tiếp tục chiến đấu.  

Hôm 1/2, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hỗ trợ Kiev 54 tỷ USD dưới dạng các khoản vay và trợ cấp trong vòng 4 năm để tài trợ cho hoạt động của nhà nước. Các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank và Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng đang cung cấp nguồn tiền quý giá cho Ukraine, WSJ cho hay. 

Dù được hỗ trợ, Ukraine vẫn thiếu tiền. Tuy nhiên, tiền lại rất cần thiết vì hoạt động chiến đấu rất tốn kém và duy trì nền kinh tế trong thời chiến cực kỳ phức tạp.

Để có thể tiếp tục chiến đấu và có hy vọng tái thiết, Ukraine không chỉ cần chiếm ưu thế trên chiến trường mà còn phải duy trì các nhà máy, thành phố và trang trại.

Ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine, bình luận: “Để giành thắng lợi, chiến lược Kiev cần là nền kinh tế Ukraine phải mạnh hơn nền kinh tế Nga”.

Để làm suy yếu nền kinh tế Nga, phương Tây đã giáng các đòn trừng phạt vào Moscow. Nửa còn lại của chiến lược này là hỗ trợ nền kinh tế Ukraine.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của Nga là nhà ở và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng. DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, năm ngoái chi khoảng 120 triệu USD để xây dựng lại cơ sở vật chất. Mùa đông năm nay, Nga tập trung ít hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng và DTEK đang tìm cách mở rộng.

CEO Maxim Timchenko cho biết DTEK có thể giải quyết vấn đề logistics và rủi ro khi xây dựng trang trại gió trong thời chiến. Đối với ông, tiền là thách thức khó khăn hơn cả.

DTEK năm ngoái đã mở một trang trại gió ở phía tây nam Ukraine. (Ảnh: WSJ). 

Cần nguồn vốn khổng lồ

Ông Timothy Ash, nhà kinh tế tại RBC BlueBay Asset Management, ước tính mỗi năm Ukraine cần được hỗ trợ 100 tỷ USD, trong đó 40 tỷ USD dành cho ngân sách và 60 tỷ USD là viện trợ quân sự. Nếu cuộc chiến kết thúc theo hướng có lợi cho Ukraine, nước này có thể cần 50 tỷ USD mỗi năm trong một thập kỷ để tái thiết.

“Đó là khoản cam kết khổng lồ trong khoảng thời gian 10 năm”, ông phát biểu tại cuộc họp do DTEK tổ chức ở Davos hồi tháng 1.

Việc hỗ trợ nền kinh tế Ukraine gặp rất nhiều trở ngại. Ukraine đã mất một phần lớn cơ sở công nghiệp và nông nghiệp trong cuộc xung đột với Nga.

Những cánh đồng từng giúp nuôi sống thế giới giờ trở thành chiến trường. Nhiều cảng từng xuất khẩu ngũ cốc bị phá hủy. Các nhà máy và hầm mỏ từng trả lương cho lao động và cung cấp hàng hóa thiết yếu giờ nằm ​​trong đống đổ nát hoặc rơi vào tầm kiểm soát của Nga.

Các ngân hàng và nhà đầu tư ngần ngại tài trợ cho những doanh nghiệp có nguy cơ bị phá hủy hoặc phải vật lộn để hoạt động vì nhân viên phải ra chiến trường hoặc trở thành nạn nhân của cuộc chiến. 

Carpathian Mineral Waters, công ty của gia đình ông Sergey Ustenko, chuyên bán nước ngọt có ga và đồ ăn nhẹ trên khắp Ukraine. Gia đình ông đang muốn xây dựng một nhà máy mới với chi phí khoảng 20 triệu USD, dự kiến tạo ra khoảng 100 việc làm.

Ông đang gặp rất nhiều rắc rối về vốn. Các ngân hàng Ukraine sẽ chỉ cho ông vay tối đa 1/4 số tiền cần thiết với mức lãi suất khoảng 20%. Ngân hàng còn yêu cầu tài sản thế chấp có giá trị.

Ông Sergey Ustenko gặp nhiều khó khăn để xin ngân hàng cấp vốn. (Ảnh: WSJ). 

Để có vốn cho doanh nghiệp nhỏ, chính phủ Ukraine đang thành lập quỹ tái thiết với quy mô kỳ vọng là 1 tỷ USD. Dựa vào sự cố vấn của BlackRock và JPMorgan Chase, Kiev hy vọng quỹ này sẽ trở thành chất xúc tác thu hút nhiều vốn đầu tư tư nhân hơn.

Giữa lúc này, người Ukraine biết rằng họ phải phấn đấu để đứng vững trên chiến trường lẫn trên mặt trận kinh tế. Nhà đầu tư Liski bình luận: “Các doanh nhân ở lại và tạo việc làm trong nước là những người yêu nước nhất”.

Giang