Cùng vi phạm Thông tư 02, các ngân hàng cùng thời Hà Văn Thắm đã bị xử ra sao?
Cùng vi phạm Thông tư 02, các ngân hàng cùng thời Hà Văn Thắm đã bị xử ra sao? |
Chi vượt trần lãi suất cùng thời Oceanbank, một loạt chi nhánh các ngân hàng bị xử lý
Đi tới nửa phiên tòa lần 2, cụm từ "chi lãi ngoài" hay "chi vượt trần lãi suất" mới được các bị cáo trong phiên xử đại án Oceanbank thừa nhận. Theo chia sẻ của các giám đốc chi nhánh Oceanbank, cho tới ngày nhận được tống đạt truy tố của Tòa, họ vẫn không biết mình đã phạm lỗi gì để tới mức bị truy tố trách nhiệm hình sự. Họ vẫn tin rằng những khoản tiền chi thêm cho khách hàng là nằm trong chương trình chăm sóc khách hàng của ngân hàng, nhằm "níu chân" người gửi tiền, và tiền chi là của ông chủ bỏ ra (Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Oceanbank khi đó). Và dựa vào việc tiền từ tài khoản cá nhân chuyển cho cá nhân thì đây là quan hệ dân sự và không thể hình sự hóa những quan hệ này. Đến ngày 19/9 vừa qua, Hà Văn Thắm đã thẳng thắn thừa nhận hành vi "chi vượt trần lãi suất".
Nhiều bị cáo từng tâm sự, khi đọc bản cáo trạng của VKS liên quan tới hành vi "chi lãi ngoài" thì họ mới "ngã ngửa người" và cho rằng họ bị "oan ức", bởi dù có vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chi vượt trần lãi suất thì họ cũng không thể bị hình sự hóa theo kết luận của VKS.
Nếu nhìn lại có thể thấy sự ngỡ ngàng và băn khoăn của các bị cáo nói trên là có căn cứ. Trong toàn bộ diễn tiến của phiên tòa lần này, nhiều luật sư và bị cáo đã nhắc đi nhắc lại một thực tế, rằng ở thời điểm Oceanbank thực hiện chính sách chi lãi ngoài thì hầu hết các ngân hàng khác cũng đều có hoạt động chi lãi ngoài để thu hút khách hàng gửi tiền, trong bối cảnh chung khi thị trường khan hiếm vốn.
Thực tế cho thấy, khi bắt đầu triển khai cơ chế trần lãi suất hồi tháng 3/2011, đã có nhiều trường hợp các ngân hàng bị xử lý vi phạm vượt trần lãi suất vào năm đó và những năm sau đó.
Cụ thể, giữa tháng 6/2011, NHNN đã có văn bản chính thức xử lý 2 ngân hàng thương mại do vi phạm quy định về trần lãi suất huy động VND.
Ngày 14/9/2011, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 119/QĐ-TNI về việc xử lý vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Tây Ninh.
Theo đó, quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc đối với ông Nguyễn Thái Hậu, Giám đốc DongA Bank Tây Ninh.
Ngày 15/9/2011, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đã có văn bản số 7235/NHNN-TTGSNH yêu cầu DongA Bank kiểm điểm nghiêm túc trong việc chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống về việc chưa chấp hành nghiêm quy định về mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT- NHNN, để xảy ra trường hợp huy động tiền gửi tiết kiệm VND vượt trần lãi suất 14%/năm tại chi nhánh trên.
Thanh tra, giám sát NHNN yêu cầu DongA Bank không bố trí chức vụ quản lý, điều hành đối với ông Nguyễn Thái Hậu tại DongA Bank trong thời hạn 3 năm; xử lý đối với bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên Trưởng phòng kế toán DongA Bank chi nhánh Tây Ninh bằng hình thức buộc thôi việc. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14/9/2011, DongA Bank không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng nằm trong diện vi phạm vượt trần lãi suất huy động thời gian này. Theo đó, ngân hàng này báo cáo, sở dĩ có vi phạm trên, là do bà Bùi Thị Sáu, cán bộ tín dụng đã tự ý dùng tiền cá nhân tặng quà cho khách hàng với số tiền mặt 1 triệu VND, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank. Agribank đã chủ động quyết định kỷ luật cán bộ có liên quan, cảnh cáo, chuyển công tác khác, hưởng bậc lương thấp hơn đối với bà Bùi Thị Sáu; cảnh cáo, chuyển công tác khác, hưởng bậc lương thấp hơn đối với bà Nguyễn Thị Huyền, cán bộ kế toán Agribank Ba Đình; khiển trách đối với ông Giám đốc Agribank Ba Đình và Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.
Còn tại Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng chi nhánh Agribank Sài Gòn, ngày 9/9/2011 đã xảy ra trường hợp cam kết chi thêm ngoài mức lãi suất tiền gửi bằng VND theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Agribank đã quyết định kỷ luật các cán bộ, nhân viên có liên quan: cách chức Phó giám đốc Phòng giao dịch đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan; cảnh cáo Giám đốc Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng; khiển trách đối với ông Võ Việt Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn.
MaritimeBank, HDBank có từng vượt trần lãi suất?
Trong phiên tòa lần này, để bào chữa cho 4 bị cáo là các Giám đốc chi nhánh OceanBank, luật sư Hoàng Huy Được đã viện dẫn: "Thực tế sau khi có Thông tư 02 và Chỉ thị 02, theo ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Dương, là người đại diện theo ủy quyền của Thống đốc đương nhiệm Lê Minh Hưng tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, NHNN đã xử lý hành chính đối với 02 ngân hàng là HDBank và MaritimeBank".
Tuy nhiên, các ngân hàng này chỉ bị xử lý hành chính, tuyệt nhiên không có lãnh đạo ngân hàng nào bị xử lý hình sự như các lãnh đạo và các giám đốc OceanBank. Điều này khiến các luật sư và các bị cáo tại phiên tòa cho rằng đó là sự không công bằng, luật sư Được khẳng định.
Theo lời của các bị cáo tại phiên tòa lần này, ngoài HDBank và Maritime Bank, còn nhiều ngân hàng khác cũng tham gia vào cuộc đua chi lãi suất ngoài này.
Riêng với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), được biết, theo thông tin phản ánh qua đường dây nóng, Maritime Bank chi nhánh Ninh Bình đã bị tố là chi vượt trần lãi suất.
Theo đó, cơ quan Thanh tra NHNN đã vào làm việc, kiểm tra với ngân hàng này. Đến ngày 12/9/2011, Maritime Bank đã thông báo: "Cùng với quyết định siết chặt hoạt động huy động vốn đối với các tổ chức tín dụng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những hoạt động thanh, kiểm tra đã được tiến hành đột xuất trên cả nước. Sau khi làm việc với Maritime Bank Ninh Bình, Ban thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã xác định sự nghiêm túc chấp hành chính sách của đơn vị này".
Nhân sự kiện này, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Maritime Bank, cũng khẳng định: “Maritime Bank cam kết nghiêm túc thực hiện các chính sách của Ngân hàng Nhà nước trên toàn hệ thống”.
Với trường hợp HDBank, khoảng giữa tháng 11/2011, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 8839 xử lý vi phạm vượt trần lãi suất tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank). Ngân hàng Nhà nước cảnh cáo tập thể Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của HDBank gồm: 2 Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Trưởng ban Kiểm soát. Nguyên nhân là do HDBank đã để hệ thống chi hoa hồng môi giới tiền gửi tiết kiệm trái quy định, vi phạm quy định trần lãi suất.
Chỉ thị 02 của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu 3 hình thức xử phạt nếu các tổ chức tín dụng vi phạm Thông tư 02 gồm: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, cấm đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính tổ chức tín dụng đó trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức tín dụng đó.
Có thể thấy những hình thức xử phạt trên của NHNN là hoàn toàn phù hợp quy định tại Thông tư 02 và chỉ thị 02 với các ngân hàng vượt trần lãi suất huy động 14% tại thời điểm đó. Tuy nhiên, riêng với trường hợp của Oceanbank, với các mức án mà VKS đề xuất cho các bị cáo là nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên TGĐ, nguyên Giám đốc chi nhánh của ngân hàng này thì đó rõ ràng là những trường hợp "ngoại lệ", không tuân theo những quy định được nêu tại Thông tư 02.