|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục trưởng Cục chăn nuôi: Giá heo hơi 65.000 đồng/kg có thể chấp nhận được

14:04 | 17/10/2019
Chia sẻ
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết mức giá heo hơi 60.000 - 65.000 đồng/kg như hiện nay có thể chấp nhận được và công bằng vì chỉ như vậy mới bù lại giá thành bởi chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh chi phí sẽ rất nhiều.

Chi phí sản xuất tăng cao

Tại Hội nghị tăng cường các biện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết Cục đã từng dự báo giá heo hơi trong tháng 8 sẽ tăng mạnh.

ảnh_Viber_2019-10-17_13-47-12

Hội nghị tăng cường các biện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững. Ảnh: ĐQ

Tuy nhiên, đến tháng 9, đà tăng giá mới bắt đầu. Ông Dương cho biết gần như 8 tháng trước đó, gần như giá heo hơi Việt Nam đã thấp nhất trong khu vực trong khi giá heo hơi Trung Quốc đã lên 70.000 đồng/kg thì giá heo hơi Việt Nam mới ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg.

"Mức giá 60.000 - 65.000 đồng/kg như hiện nay có thể chấp nhận được và công bằng vì chỉ như vậy mới bù lại giá thành bởi chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh chi phí sẽ rất nhiều. Giữ được con heo đến bây giờ phải mất biết bao nhiêu công sức, tiền của.

Thậm chí, giá heo hơi có thể tăng thêm nữa cũng không sao với điều kiện vẫn phải trong tầm kiểm soát", ông Dương cho biết.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho hay chưa bao giờ người chăn nuôi chịu thiệt hại như năm nay và cũng chưa bao giờ Chính phủ chi ra ngân sách quá lớn cho ngành chăn nuôi như hiện nay. 100 triệu người dân Việt Nam nên chấp nhận giá đó.

Ông Đoàn Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho biết kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát chi phí nuôi heo của Mavin đã tăng thêm 10.000 đồng/kg, chủ yếu đến từ việc phòng chống dịch bệnh.

"Bản thân tôi không khuyến khích việc nhập khẩu thịt heo"

Nói về lo ngại lượng thịt heo nhập khẩu có thể ồ ạt vào thị trường ông Dương cho rằng nếu như kiểm soát tốt về giá, không để giá thịt heo trong nước tăng lên quá cao thì thịt heo nhập khẩu cũng không dễ vào Việt Nam.

ảnh_Viber_2019-10-17_13-46-26

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: ĐQ

"Bản thân tôi không khuyến khích việc nhập khẩu thịt heo bởi chúng ta hoàn toàn có thể chủ động nguồn thực phẩm. Góc độ người tiêu dùng nên ăn thêm các loại thịt khác như thịt, cá, trứng để giảm áp lực cho ngành chăn nuôi heo", ông Dương nói.

Mặc dù vậy, ông Dương cũng phải thừa nhận rằng đặc thù tiêu dùng của người Việt Nam nên những tháng cuối năm nhu cầu sẽ cao hơn. Do đó cần phải có giải phảp tăng nguồn cung bằng việc kiểm soát thật tốt hoạt động tái đàn.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 14.824 tấn thịt heo. Trong khi đó, cả năm 2018, Việt Nam chỉ nhập khẩu gần 14.300 tấn, tương ứng với hơn 23,6 triệu USD.

Việt Nam đang nhập khẩu một số sản phẩm chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ heo và nội tạng.

Cục Chăn nuôi cho biết lượng tiêu thịt heo hơi của Việt Nam trung bình đạt khoảng 40,3 kg/người/năm. Đối với thịt heo xẻ đạt 27,4 kg/người/năm, mức tăng trưởng trung bình 2,1%/năm.

Cân đối cung - cầu thịt heo của Việt Nam với việc sản lượng thịt heo nội địa điều chỉnh giảm mạnh trong năm 2017 trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa có tăng nhẹ và xuất khẩu heo sống theo đường tiểu ngạch vẫn chiếm khoảng 10%.

Cục Chăn nuôi nhận định: "Cung - cầu thịt heo Việt Nam đã tương đối cân bằng trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019".

Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu gần 7,4 tấn heo theo đường chính ngạch chủ yếu là heo choai và heo sữa đông lạnh sang các thị trường như Hong Kong, Malaysia.

Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được một ít thịt heo mảnh đông lạnh sang thị trường Myanmar và chưa xuất khẩu được các sản phẩm chế biến với giá trị cao theo yêu cầu thị trường một số nước.

H.Mĩ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.