|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cục Hàng không Việt Nam trình kế hoạch chi tiết triển khai đường bay quốc tế

17:17 | 21/09/2020
Chia sẻ
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam.

Theo đó, với kế hoạch do Vietnam Airlines và Vietjet Air đệ trình, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ 3,4,5 (tổng số tối đa là 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh TP HCM vào các ngày thứ 3 (2 chuyến); 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.290 ghế).

Cục Hàng không Việt Nam trình kế hoạch chi tiết triển khai đường bay quốc tế - Ảnh 1.

(Ảnh: TTXVN)

Đối với phía nước ngoài, ngày 11/9/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư chính thức gửi nhà chức trách hàng không 4 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác. Các đối tác đều nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra.

Theo đó, phía Trung Quốc chỉ định Hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu - TP HCM với tần suất 1 chuyến/tuần.

Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TP HCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.

Phía Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã chỉ định China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác Đài Bắc đến Hà Nội và TP HCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Kế hoạch khai thác cụ thể sẽ được các hãng hàng không đệ trình Cục Hàng không Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Đối với hành khách nhập cảnh, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao nội dung này cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đưa vào quá trình xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài chỉ xem xét làm thủ tục hàng không cho hành khách có thị thực nhập cảnh Việt Nam do các cơ quan chức năng cấp.

Đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam, trên cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và dựa trên kinh nghiệm của một số nước, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã xây dựng qui trình tiếp nhận khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải...

Theo đó, hãng hàng không chỉ đặt chỗ, bán vé cho hành khách khi cung cấp đầy đủ các thông tin (tên, số điện thoại liên lạc của cá nhân khi ở Việt Nam; địa chỉ, số điện thoại liên hệ cơ sở cách ly tại Việt Nam; số điện thoại của tổ chức đón khách tại cảng hàng không).

Trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in), hãng hàng không yêu cầu hành khách xuất trình và kiểm tra hộ chiếu, thị thực nhập cảnh và các giấy tờ tương đương; giấy xác nhận âm tính với COVID-19 theo phương pháp realtime PCR trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (giấy này phải được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại địa bàn xác nhận).

Các tài liệu xác nhận việc được chấp nhận ở các cơ sở cách ly theo qui định (nhà công vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý); thông tin của tổ chức đón khách tại cảng hàng không.

Trong quá trình làm thủ tục lên tàu bay (boarding): Yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trên tàu bay; yêu cầu cài đặt ứng dụng di động "Vietnam Health Declaration", "Bluezone" và thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc; đo thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay và từ chối vận chuyển đối với khách có thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C.

Cục Hàng không Việt Nam trình kế hoạch chi tiết triển khai đường bay quốc tế - Ảnh 2.

Chuyến bay thường lệ quốc tế đầu tiên của Việt Nam cất cánh sáng 19/9/2020. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Đối với việc vận chuyển khách nối chuyến từ nước thứ ba, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến.

Phương án 2, chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; khách phải cách ly đủ 14 ngày và không áp dụng qui trình nhập cảnh ngắn ngày đối với khách nối chuyến.

Phương án 3, chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến, hãng hàng không sẽ thực hiện các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) tại điểm xuất phát đầu tiên của hành trình; toàn bộ hành khách trên chuyến bay (khách trực tiếp từ đối tác vào Việt Nam và khách nối chuyến từ nước thứ 3 qua đối tác vào Việt Nam) đều không áp dụng qui trình nhập cảnh ngắn ngày.

Đối với việc cung cấp danh sách hành khách và thông tin hành khách, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hãng hàng không có trách nhiệm gửi Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không đến danh sách hành khách đặt chỗ 12 tiếng trước giờ dự kiến khởi hành và thông tin hành khách trên chuyến bay như thông tin trong quá trình làm thủ tục hành khách (check-in) trước 30 phút trước khi chuyến bay cất cánh.

Các cảng vụ hàng không có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển thông tin hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến nêu trên cho cơ quan kiểm dịch y tế, cơ quan xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan tại cảng hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh đường bay giữa Lào và Việt Nam là Viên Chăn - Hà Nội và giữa Campuchia và Việt Nam là Phnompenh - TP HCM; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố công bố các cơ sở lưu trú cách ly, mức phí trọn gói lưu trú và xét nghiệm để khách lựa chọn, công bố danh sách các doanh nghiệp vận tải đủ điều kiện vận chuyển hành khách từ sân bay tới cơ sở lưu trú và mức phí chi trả.

Đề nghị địa phương áp dụng thống nhất qui trình tiếp nhận hành khách cách ly, không có các yêu cầu, qui trình riêng đối với các chuyến bay đã được cấp phép bay; đề nghị cho phép các hãng hàng không theo dõi sức khỏe tổ bay khi nhập cảnh, hết 48 giờ không có dấu hiệu nhiễm bệnh COVID-19 thì được phép tiếp tục thực hiện các chuyến bay khác.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 vào chiều 18/9, trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quang Toàn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.