|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cú nhảy vọt trong lợi nhuận ngân hàng và câu chuyện 'kiến chọi voi'

09:14 | 26/01/2018
Chia sẻ
Nhìn chung hệ thống các ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ, cũng như thu phí các dịch vụ trong năm 2017. Việc thoái vốn, hoàn nhập dự phòng và xử lý nợ xấu là nguyên nhân mang lại lợi nhuận đột biến tại một số nhà băng.
cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi Lợi nhuận VIB gấp đôi trong năm 2017, lương nhân viên không đổi nhiều
cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi Hàng loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục: “Bức tranh” đang sáng dần?

Các con số lợi nhuận nghìn tỷ mà một số ngân hàng vừa công bố, cùng với mức tăng trưởng 30%, 70%, 100% hay thậm chí 850% đã cho thấy một bức tranh ngành ngân hàng với gam màu rực sáng.

Theo đánh giá độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống tăng 44,5% so với năm trước.

Nhìn chung hệ thống các ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ, cũng như thu phí các dịch vụ trong năm 2017. Nhiều ngân hàng không những không phải trích lập dự phòng rủi ro mà còn hoàn nhập trích lập dự phòng rủi ro trước đó. Việc thoái vốn, hoàn nhập dự phòng và xử lý nợ xấu là nguyên nhân mang lại lợi nhuận đột biến tại một số nhà băng.

Nhóm "Big 4" có tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng, do Nhà nước nắm cổ phần chi phối

Trong nhóm "Big 4" ngân hàng với số tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất về lợi nhuận 32%.

Hoạt động cho vay của Vietcombank có sự đẩy mạnh sang phân khúc khách hàng bán lẻ khi tỷ trọng cho vay cá nhân tăng từ 25% lên 33% trong năm 2017. Bên cạnh đóng góp từ thu nhập thuần từ lãi (tăng trưởng 18%), thì còn nhờ vào lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21%. Lợi nhuận trước thuế vượt 11.000 tỷ đồng của Vietcombank là con số kỷ lục của ngành ngân hàng.

cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi
Tổng hợp lợi nhuận một số ngân hàng. (Nguồn: Tuệ An. Số liệu của MBBank là của báo cáo riêng lẻ

Đứng vị trí thứ hai trong nhóm “Big 4”, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ước đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 7%. Bên cạnh hoạt động tín dụng và nguồn vốn truyền thống, tổng thu phí dịch vụ của VietinBank đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.

Với quy mô tài sản gần 1,2 triệu tỷ đồng, lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ xếp thứ ba, với con số 8.800 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với 2016.

Thành viên cuối cùng của "Big 4" ngân hàng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Cùng quy mô tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng, nhưng Agribank bị các "Big4" khác bỏ xa, khi mức lợi nhuận trước thuế thu về hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất của Agribank từ trước đến giờ.

Câu chuyện "kiến chọi voi" là có thật

cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi
Câu chuyện "kiến chọi voi" trong ngành ngân hàng.

Đem một ngân hàng quy mô dưới 300.000 tỷ đồng để so sánh với ngân hàng "Big 4" khối lượng tài sản khủng vượt 1 triệu tỷ đồng là một phép so sánh khập khiễng.

Thế nhưng, với quy mô tài sản chỉ bằng 1/3 ngân hàng "Big4", nhưng con số lợi nhuận 8.100 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã bỏ xa Agribank (5.000 tỷ đồng) và sắp đuổi kịp với BIDV (8.800 tỷ đồng) hay Vietinbank (9.200 tỷ đồng). Câu chuyện "kiến chọi voi" hóa ra là có thật.

Quy mô tài sản gần 278.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 8.126 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2016. Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng 36%, lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 1.448 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2016.

Doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm gần 80% trong tổng doanh thu của VPBank. Điểm sáng lớn nhất của VPBank nằm ở chỗ, dù ngân hàng đang tập trung khai thác các phân khúc có nguy cơ rủi ro cao, nhưng vẫn duy trì được chất lượng tăng trưởng nhờ chiến lược kinh doanh linh hoạt và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả.

Hay như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với lượng tài sản xoay quanh 300.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo riêng lẻ cũng đã lên tới 5.300 tỷ đồng, vượt qua con số 5.200 tỷ đồng của "Big 4" Agribank. Lợi nhuận của MBBank tăng trưởng 44% so với 2016.

Những con số "đột biến" của nhóm Ngân hàng TMCP khác

cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi
Những con số tăng trưởng đột biến trong lợi nhuận ngân hàng.

Năm 2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chứng kiến một trang mới trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Thu nhập thuần từ lãi và hoạt động dịch vụ lần lượt đạt 2.890 và 2.625 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và 84%. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 2.335 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm 2016.

cu nhay vot trong loi nhuan ngan hang va cau chuyen kien choi voi Nửa năm dưới trướng Chủ tịch Dương Công Minh, nhân viên và cổ đông Sacombank sẽ vỡ òa khi biết điều này

Yếu tố phải kể đến đầu tiên trong câu chuyện bứt phá của Sacombank là lợi nhuận gấp 9,5 lần (tăng 850%) so với 2016, gần 1.500 tỷ đồng, quả là con số "đáng giật mình". Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 370.000 tỷ đồng, tăng 11% so với 2016.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với mức tăng trưởng lợi nhuận 100%, con số này khá "khủng" so với các ngân hàng như TPBank, hay LienvietPostBank, nhóm cùng quy mô tài sản từ 100.000 đến 200.000 tỷ đồng.

Với tổng tài sản 123.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 1.405 tỷ đồng. Lý giải cho bước nhảy vọt của VIB, bên cạnh thu nhập thuần từ lãi, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh (59%), VIB còn cắt giảm tới 40% chi phí dự phòng rủi ro tài chính đã tạo nên "nấc thang" lợi nhuận cho ngân hàng.

Tỷ trọng cho vay khách hàng của VIB, cũng có thể thấy ngân hàng đang chuyển hướng sang phân khúc bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân tăng từ 46% năm 2016 lên 63% trong năm 2017.

Với tổng tài sản đạt 124.040 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 1.206 tỷ đồng, tăng trưởng trên 70% so với 2016. Đóng góp cho kết quả này là thu nhập thuần từ lãi tiếp tục tăng trưởng và đóng góp phần lớn lợi nhuận, thu từ dịch vụ tăng đáng kể trên 90%, đạt 86 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với khối tài sản hơn 160.000 tỷ đồng, thu về lợi nhuận trước thuế 1.768 tỷ đồng, tăng trên 30%, trong đó lãi lớn từ chứng khoán đầu tư.

Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) hay Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng cho thấy diễn biến tương tự, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% và 100%c, đạt lần lượt 150 và 190 tỷ đồng.

Với tình hình kinh doanh đầy tươi sáng, cổ phiếu ngân hàng được nhận định là động lực dẫn dắt, giúp thị trường chung “thăng hoa” trong năm 2017. Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 30,7% so với đầu năm.

Gần đây, Moody’s cũng xếp hạng tín nhiệm ngân hàng Việt Nam từ ổn định sang tích cực, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng và tích cực đối với nhóm các ngân hàng trong thời gian tới.

Tuệ An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.