Hàng loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục: “Bức tranh” đang sáng dần?
Mặc dù chưa chính thức công bố BCTC quý IV/2016, nhưng theo công bố sơ lược kết quả kinh doanh của một số ngân hàng mới đây, bức tranh lợi nhuận năm 2016 ngành ngân hàng khá khả quan.
Lợi nhuận kỷ lục
Theo thông tin mới đây từ Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank, kết thúc năm 2016, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, vượt 4% kế hoạch ĐHĐCĐ. Với kết quả này, Vietinbank đang là ngân hàng dẫn đầu toàn hệ thống về lợi nhuận. Tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt đạt 10,9% và 1%.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank đạt 947 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015 và đạt 107% kế hoạch ĐHĐCĐ. Tổng nguồn vốn huy động đạt 862 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch ĐHĐCĐ, trong đó nguồn vốn VietinBank huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế từ thị trường 1 với mức tăng hơn 30% so với đầu năm. Cũng trong năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch trong đó tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Ngân hàng cũng cho biết, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1%, thấp nhất trong các NHTM tại Việt Nam.
Là một trong những “ông lớn” đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2016, Vietcombank cũng đạt lợi nhuận cao kỷ lục từ trước tới nay.
Cụ thể, kết thúc năm 2016, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trước dự phòng đạt tới 14.605 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro đã trích 6.392 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng theo đó đạt tới 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016.
Với kết quả trên, các chỉ số sinh lời ROA và ROE của Vietcombank ở mức cao, tương ứng 0,9% và 14,2%.
Nguồn: BizLIVE |
Kém khởi sắc hơn, ngân hàng BIDV mặc dù vẫn đạt lợi nhuận trước thuế khá “khủng”, 7507 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 7% so với kết quả đạt được năm 2015 nhưng con số này mới chỉ hoàn thành 95% kế hoạch năm.
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 17,5% so với năm 2015, chiếm gần 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Về cơ cấu tín dụng, tính đến cuối năm 2016, dư nợ bán lẻ đạt 185.215 tỷ đồng, tăng trưởng gần 32%, huy động vốn bán lẻ tăng 22,6%. Dư nợ phân khúc SME đạt 161.752 tỷ đồng; huy động vốn đạt 69.085 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối năm 2016 ở mức 1,47%.
Trong khi đó, sau một thời gian tái cơ cấu, Agribank cũng đạt được những kết quả khá khả quan với việc nợ xấu về dưới mức 3%, lợi nhuận năm 2016 khoảng 4.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Mức lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng mặc dù còn khá khiêm tốn so với những “người anh em” như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV nhưng đây vẫn được coi là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này.
Nguồn: BizLIVE |
Trong khi các “ông lớn” có vốn Nhà nước đua nhau báo lãi lên đến cả mấy nghìn tỷ đồng, thì một số NHTM công bố kết quả kinh doanh mới đây cũng đều khá khả quan khi đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ghi nhận mức 707 tỷ đồng, tăng 12,93% so với năm 2015, vượt 1,7% kế hoạch năm. Tổng vốn huy động đạt trên 97,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 41,5% và vượt 15,3% so với kế hoạch.
Tổng tài sản của TPBank đến cuối năm đạt trên 105,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38,8% so với năm 2015 và vượt 15,6% kế hoạch.
Một ngân hàng thương mại khác cũng vừa mới công bố kết quả kinh doanh năm 2016 là Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB). VIB cho biết, ngân hàng đạt lợi nhuận trước dự phòng 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ, đạt 104% so với kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm, cao hơn 7% so với năm 2015.
Tổng dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 68.000 tỷ, tăng trưởng gần 25% so với năm 2015. Tổng tài sản của ngân hàng xấp xỉ 105.000 tỷ đồng. Mặc dù không cho biết con số chính xác, ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%, chỉ số LDR đạt mức 66%. “Bức tranh” đã thực sự đẹp lên? Mặc dù đây chỉ là một vài số liệu chính trên BCTC của một số ngân hàng, nhưng cũng cho thấy những tín hiệu khả quan của hệ thống sau một thời gian khá dài các ngân hàng tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Nói về bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2016 và năm tới, TS.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, lợi nhuận ngân hàng, cổ tức ngân hàng 5 năm trở lại đây rất thấp là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đặc biệt là trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu cũ.
Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều, và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm nay lợi nhuận chung của ngân hàng bật tăng trở lại, tăng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trừ đi 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước, thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn của các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng những nguồn lực tài chính tổng hợp nhà nước để xử lý một vấn đề tồn đọng rất lớn đó là nợ xấu.
Có cái nhìn thận trọng hơn, chuyên gia ngân hàng , TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, nếu trên sổ sách thì lợi nhuận ngân hàng tương đối khả quan, tuy nhiên vẫn còn ẩn chứa rất nhiều ẩn số trong bức tranh này.
Thứ nhất, là trong ngân hàng còn có những tài sản không sinh lời, đây là rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng còn rất nhiều khoản lãi dự thu. Những khoản lãi dự thu đó nếu của khách hàng đã phá sản thì phải xem xét để xoá sổ và kéo ra khỏi sổ sách ngân hàng nhưng một số ngân hàng vẫn có khoản lãi dự thu cao với những khách hàng mặc dù có thể đã không còn tồn tại hoặc không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, nợ xấu cũng là một vấn đề lớn. Các ngân hàng luôn muốn tìm cách giảm tối thiểu trích lập chi phí dự phòng. Nếu ngân hàng có sổ sách trong sáng và hạch toán chặt chẽ thì có thể biết con số dự phòng là chính xác nhưng ngân hàng không có hạch toán rõ ràng thì dự phòng có thể chưa đầy đủ.
Thành ra, chuyên gia này cho rằng, để trả lời câu hỏi về bức tranh ngân hàng trên sổ sách thì có thể tốt nhưng trên thực tế cần có những nghiên cứu sâu rộng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/