|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

CTCK của sếp Tập đoàn FLC thay đổi hạn mức đầu tư vào cổ phiếu ROS và GAB

11:10 | 03/02/2020
Chia sẻ
Công ty chứng khoán BOS, công ty xây dựng FLC Faros và công ty GAB đều là các doanh nghiệp có liên quan mật thiết với Tập đoàn FLC.

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (Mã: ART) mới công bố thông tin về giao dịch đầu tư với giá trị lớn hơn 10% tổng tài sản công ty.

Cụ thể, ngày 31/1 vừa qua Hội đồng quản trị của BOS đã ra nghị quyết về việc thay đổi hạn mức đầu tư với cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros và cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần GAB.

Theo đó, hạn mức tự doanh và đầu tư vào cổ phiếu ROS tối đa là 194 tỉ đồng còn hạn mức đầu tư và tự doanh với cổ phiếu GAB tối đa là 13,7 tỉ đồng.

Hội đồng quản trị của Chứng khoán BOS ủy quyền cho ông Chu Tiến Vượng - Chánh Văn phòng HĐQT được toàn quyền quyết định/lựa chọn thời điểm đầu tư, giá mua/giá bán các cổ phiếu nêu trên, đảm bảo tuân thủ qui định của pháp luật và điều lệ công ty.

Tính đến ngày 31/12/2019, Chứng khoán BOS có tổng tài sản 1.161 tỉ đồng, tăng 80 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Giá trị vốn chủ sở hữu là 1.129 tỉ đồng, chiếm hơn 97% tổng nguồn vốn. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 đạt 82 tỉ đồng, tăng gần 50% so với năm trước.

CTCK của sếp Tập đoàn FLC thay đổi hạn mức đầu tư vào cổ phiếu ROS và GAB - Ảnh 1.

Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời Chủ tịch Chứng khoán BOS. Ảnh: Đức Quyền.

Chứng khoán BOS, FLC Faros và GAB đều là các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Tập đoàn FLC.

CTCP Chứng khoán BOS tiền thân là CTCP Chứng khoán Artex, hiện nay do bà Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch HĐQT. Bà Dung đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

CTCP Xây dựng FLC Faros và Tập đoàn FLC có chung Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Văn Quyết.

Công ty cổ phần GAB có cổ đông lớn là Tập đoàn FLC. Chủ tịch HĐQT của GAB là ông Trần Thế Anh - người đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Theo báo cáo tài chính quí IV/2019 của Chứng khoán BOS, tại ngày 31/12 vừa qua BOS đang nắm giữ khối cổ phiếu ROS với giá trị gốc gần 154 tỉ đồng nhưng giá trị hợp lí chỉ là gần 77 tỉ đồng, tức bằng một nửa giá trị gốc. Báo cáo tài chính này không thể hiện sở hữu cổ phiếu GAB.

Trong thời gian gần đây, hai cổ phiếu ROS và GAB biến động ngược chiều nhau. Cổ phiếu ROS liên tục giảm sâu và lần đầu tiên đóng cửa dưới mệnh giá trong phiên 31/1. Sáng nay 3/2, ROS giảm sàn xuống còn 8.680 đồng/cp.

Trong khi đó, GAB có chuỗi 12 phiên liên tiếp đóng cửa kịch trần, đưa giá lên 44.200 đồng/cp kết phiên 31/1. Sáng nay 3/2, GAB tiếp tục tăng trần lên 47.250 đồng/cp.

Mới đây ngày 31/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ban hành quyết định về việc đưa cổ phiếu GAB ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện kí quĩ vì GAB đã có thời gian niêm yết đủ 6 tháng. Nói cách khác, các công ty chứng khoán đã có thể bắt đầu cấp margin cho nhà đầu tư mua cổ phiếu GAB.

Hôm nay 3/2, công ty cổ phần GAB cũng đang tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn về một số kế hoạch quan trọng như: 

- Đổi tên từ Công ty cổ phần GAB thành CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC. 

- Chuyển trụ sở chính của công ty từ huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa về tầng 5 tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

- Chào bán 55,2 triệu cổ phiếu GAB cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:4, giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 20% thị giá hiện nay.

- Bổ sung hàng loạt ngành nghề kinh doanh, trong đó có vận tải hàng không và sản xuất & phân phối điện (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, ...). Hoạt động chính của GAB hiện nay là sản xuất và kinh doanh gạch.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.