COVID-19 làm lộ tử huyệt của ngành du lịch Đông Nam Á
Một resort khách sạn ở thành phố biển nổi tiếng Hua Hin thuộc miền bắc Thái Lan đã đóng cửa vĩnh viễn vào đầu tuần này. Nó trở thành một trong những nạn nhân mới nhất của COVID-19, dịch bệnh đang khiến nhu cầu đi lại, du lịch ở Châu Á giảm mạnh.
Trong một thông điệp gửi tới nhân viên, ban lãnh đạo Banyan Resort Hua Hin thừa nhận không thể tiếp tục "chịu đựng" những thua lỗ cộng dồn vào thời điểm khi số lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh.
Cũng giống nhiều khách sạn khác ở Thái Lan, phần lớn khách của khách sạn này đến từ Trung Quốc, nơi SARS-CoV-2 khởi phát.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm tour du lịch theo nhóm từ ngày 27/1 nhằm kiềm chế sự lây lan của virus corona. Động thái này tạo ra một làn sóng hủy tour tại Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia – một số điểm đến yêu thích của người Trung Quốc.
Đến nay, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức gọi COVID-19 là một đại dịch với gần hơn 193.000 ca dương tính (tính đến ngày 18/3), ngành du lịch Đông Nam Á đang chịu nhiều ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đang trên bờ vực phá sản.
Giống kịch bản với SARS 17 năm trước, khi bệnh dịch qua, nhu cầu du lịch sẽ trở lại. Các công ty lớn đang tìm cách "sống chung với lũ" bằng cách giảm chi phí, song những công ty nhỏ không có đủ nguồn lực để áp dụng các chiến lược tương tự.
Theo ông Kongsak Khoopongsakorn, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan khu vực phía Nam, những khách sạn địa phương đang đàm phán với nhiều nhà băng để được giãn thời hạn trả nợ.
"Mọi khách sạn đều đang cố gắng tồn tại và tôi nghĩ có một số vẫn có thể duy trì vận hành. Một số khách sạn không may mắn như vậy và có thể phải bỏ cuộc nếu tình hình tệ hơn", ông nói với Nikkei.
Du lịch là một ngành dịch vụ quan trọng của nhiều nước Đông Nam Á - khu vực đón khoảng 30 triệu khách Trung Quốc vào năm 2019, chiếm tỉ trọng 20% trong tổng số khách quốc tế. Con số ấy lớn gấp 7 lần so với cùng kì 10 năm trước đó (4,1 triệu).
Một số quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào khách du lịch Trung Quốc, ví dụ như Thái Lan (tỉ trọng 28%) và Việt Nam (tỉ trọng 32%), chủ yếu do khoảng cách địa lý gần và chi phí đi lại thấp.
Những số liệu thống kê mới nhất đang cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình hiện tại với ngành du lịch nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Tỉ lệ khách nước ngoài vào Thái Lan giảm 44% vào tháng 2 so với cùng kì năm ngoái. Con số của Việt Nam là 22%. Đây đều là những mức giảm mạnh so với mức độ tăng trưởng nhanh vào tháng 1.
Cùng thời điểm, tỉ lệ lấp đầy khách sạn ở Bali (Indonesia) chỉ đạt 20%, theo Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn nước này. Bali là nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona ở Indonesia.
Theo số liệu từ Bộ Công thương Thái Lan, 8 khách sạn và 21 nhà hàng đã đệ đơn phá sản trong năm 2019 tính đến thời điểm giữa tháng 2. Nikkei dẫn lời nguồn tin địa phượng thì cho rằng 74% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nói họ có thể sẽ phá sản nếu virus corona và những hạn chế hiện tại duy trì trong nhiều hơn 6 tháng.
Bên ngoài Đông Nam Á, những ảnh hưởng virus corona để lại cho các doanh nghiệp du lịch cũng đã xuất hiện. Fujimiso, một chuỗi nhà trọ truyền thống Nhật Bản 60 năm tuổi, có thể là một trong những công ty đầu tiên phá sản vì dịch bệnh.
Vài năm gần đây, Fujimiso phụ thuộc nhiều vào khách Trung Quốc và hứng cơn bão hủy phòng từ tháng 1, theo công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research.
Đến trung tuần tháng 3, ít nhất 5 vụ phá sản trong ngành du lịch đã diễn ra ở Nhật Bản. Hầu hết doanh nghiệp phá sản đã gặp khó khăn trước thời điểm virus corona bùng phát, Nikkei nói thêm.
Ở Đông Nam Á, bệnh dịch kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên diện rộng. Theo thông kê của Dealogic, các công ty ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Lào và Campuchia đang nợ 30,8 tỉ USD tới cuối năm nay.
Với khoản nợ 11,2 tỉ USD, doanh nghiệp ở Thái Lan chiếm một phần ba số đó. Các vị trí tiếp theo thuộc về Malaysia, Singapore và Indonesia.
Dù vậy, các chính phủ Đông Nam Á đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ với các ngành kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và dễ tổn thương.
Chính phủ Indonesia nói họ sẽ miễn thuế cho các nhà hàng và khách sạn tại một số địa điểm du lịch trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4. Bên cạnh đó, gói kích thích thứ hai trị giá 1% GDP (8,5 tỉ USD) cũng được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế.
Singapore cũng chuẩn bị tung ra gói cứu trợ thứ hai để làm giảm các tác động của virus corona. Trước đó, chính phủ Singapore đã tung ra gói 4 tỉ USD hồi tháng trước, bao gồm khoản hoàn thuế mặt bằng 30% cho các khách sạn.