COP28: Tranh luận gay gắt về thỏa thuận loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục nóng lên
Điều này gây bất lợi cho những nỗ lực thiết lập một cam kết chung “đột phá” trên toàn cầu, nhằm chấm dứt việc khai thác và sử dụng dầu mỏ trong vòng 30 năm nữa.
Theo các nhà quan sát, Saudi Arabia và Nga là hai trong số các nước phản đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận nói trên. Đại diện các nước này nhấn mạnh rằng trọng tâm của COP28 chỉ nên tập trung vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thay vì nhắm mục tiêu vào nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này.
Trong khi đó, ít nhất 80 quốc gia, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia nghèo dễ bị tổn thương bởi khí hậu, đã lên tiếng yêu cầu COP28 đưa ra một thỏa thuận rõ ràng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngày 9/12, Chủ tịch COP29 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước cần bước ra khỏi "vùng an toàn" để cùng nhau đạt được thỏa thuận cuối cùng để xử lý vấn đề nhiên liệu hóa thạch trước khi hội nghị kết thúc vào ngày 12/12. Ông al-Jaber nhấn mạnh việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là "không thể tránh khỏi" và COP28 cần đưa ra được một thỏa thuận khí hậu "chưa từng có" tại các cuộc đàm phán trước đây.
Một ngày trước đó, Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais đã gửi lá thư kêu gọi các thành viên OPEC từ chối bất kỳ văn bản hay công thức nào của COP28 nhằm vào loại bỏ nhiên liệu hóa thạch thay vì hướng sự chú ý vào khí thải.
Trong thông điệp của mình, ông al-Ghais cảnh báo: “Sức ép quá mức và không tương xứng đối với nhiên liệu hóa thạch có thể đạt đến mức tới hạn” trong các cuộc đàm phán này. Theo nhà lãnh đạo OPEC, thế giới cần những cách tiếp cận thực tế để giải quyết vấn đề phát thải, tập trung nhiều hơn vào việc giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đồng thời tăng khả năng phục hồi.
Chuyên gia Alden Meyer, thuộc tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, cho biết đây là lần đầu tiên Ban thư ký của OPEC can thiệp vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc bằng một lá thư như vậy.
Ủy viên khí hậu của EU, Wopke Hoekstra, đã lên tiếng chỉ trích bức thư là "không phù hợp" với những nỗ lực về khí hậu chung toàn cầu. Ông Hoekstra chia sẻ: “Đối với nhiều người, bao gồm cả tôi, điều đó bị coi là lạc lõng, vô ích và không phù hợp với tình hình khí hậu hiện nay”.
Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha bày tỏ sự phản đối với quan điểm của OPEC trong khi các nước khác, chủ yếu là các quốc gia dầu mỏ, như Iraq công khai ủng hộ. Các quốc gia đang phát triển, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, chưa xác nhận rõ ràng việc có nhất trí với đề xuất loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại COP28 hay không, nhưng đã ủng hộ lời kêu gọi phổ biến về việc thúc đẩy hơn nữa năng lượng tái tạo.
Đặc phái viên hàng đầu về khí hậu của Trung Quốc, ông Xie Zhenhue, mô tả hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm nay là khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông. Ông nhấn mạnh có rất nhiều vấn đề cần giải quyết và rất ít khả năng COP28 sẽ thành công nếu các quốc gia không thể thống nhất ngôn ngữ về tương lai của nhiên liệu hóa thạch.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Bhupender Yadav, yêu cầu cần có sự công bằng trong bất kỳ thỏa thuận nào. Ông nêu rõ các nước giàu nên dẫn đầu hành động về khí hậu toàn cầu.