|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty mẹ của Gojek mạnh tay cắt giảm chi phí, nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an

06:44 | 28/11/2022
Chia sẻ
Mới đây, GoTo, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2022.

Hiện tại, GoTo đang đầu tư vào 3 mục tiêu lớn: đạt được tăng trưởng bền vững, thúc đẩy việc có lợi nhuận và củng cố phát triển sản phẩm thông qua sự hoà hợp hệ sinh thái.

Trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh, ông Andre Soelistyo, CEO GoTo, cho biết GoTo đã “thực hiện được nhiều bước tiến ở cả 3 mục tiêu”, đặc biệt là mục tiêu nhanh chóng có lợi nhuận.

Điều này có thể được thể hiện thông qua mức tăng trưởng doanh thu gộp lên tới 30% so với cùng kỳ năm trước để chạm mốc 5,9 nghìn tỷ rupiah (376 triệu USD). Doanh thu gộp thể hiện tổng giá trị mà GoTo thực hiện cho mỗi giao dịch, không tính đến điều chỉnh cho các khoản chi cho đối tác hoặc khuyến mại tới khách hàng.

(Ảnh: GoTo). 

Lỗ EBITDA trong quý III sau điều chỉnh cũng được cải thiện 11% so với năm trước đó để về mốc 236 triệu USD. Dù vậy, lỗ EBITDA sau điều chỉnh luỹ kế trong 9 tháng đầu năm vẫn lên tới 811 triệu USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ. Đây có thể là lý do vì sao giá cổ phiếu của GoTo vẫn giảm 6,7% một ngày sau khi kết quả kinh doanh được công bố.

Nỗ lực cắt giảm chi phí chưa được thể hiện đầy đủ

Số dư đảm phí (Contribution margin hay CM), một thông số thể hiện khả năng sinh lời, của GoTo cải thiện nhanh hơn kỳ vọng.

Ở cấp độ tập đoàn, số dư đảm phí tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua mốc dự đoán trước đó. Kể từ quý II/2022, số dư đảm phí của GoTo được cải thiện nhờ doanh thu gộp tăng trưởng và giảm chi cho đối tác.

Số dư đảm phí của GoTo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng. Mặc dù đây là một tín hiệu tích cực song các nhà đầu tư có lẽ sẽ phải đợi thêm một khoảng thời gian dài hơn cho đến khi GoTo đạt đến điểm hoà vốn ở các chỉ số khác như EBITDA hay thu nhập dòng.

Báo cáo hoạt động kinh doanh của GoTo cũng cho thấy chi phí vận hành giảm. Tuy nhiên, một phần lớn tác động của việc cắt giảm chi phí này sẽ được ghi nhận vào quý I/2023 và 3 quý sau đó, theo Tech in Asia. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng khả năng sinh lời của GoTo sẽ được cải thiện trong năm tới.

Mới đây, GoTo cho biết sẽ cắt guamr 13% (tương đương 1.200) định biên nhân sự. Đợt sa thải này có thể sẽ giúp hãng tiết kiệm từ 58 triệu USD đến 61 triệu USD chi phí.

“Với các nỗ lực cắt giảm chi phí đang thực hiện, chúng tôi kỳ vọng có thể đẩy nhanh việc đạt điểm hoá vốn với EBITDA tạp đoàn từ 3 – 4 quý, khoảng từ 12 đén 15 tháng sau khi số dư đảm phí đạt điểm hoà vốn”, ông Soelistyo chia sẻ.

Đầu tư vào sáng tạo, dịch vụ theo nhu cầu (on-demand) tăng trở lại

Ngay cả khi GoTo cắt giảm chi phí, công ty này vẫn đầu tư mạnh vào sản phẩm có thể tận dụng được sự hợp lực của hệ sinh thái số mà nó sở hữu.

Một ví dụ là GoPay Coin. Ra mắt vào cuối tháng 6, GoPay Coin cho phép người dùng kiếm, đổi và tặng điểm cho các giao dịch nằm trong hệ sinh thái GoTo.

(Nguồn: GoTo). 

Ví dụ, người dùng có thể kiếm điểm từ giao dịch mua hàng trên Tokopedia và sau đó đổi điểm khi đặt đồ ăn trên GoFood.

GoTo đã phát hành GoPay Coin đến 21% người dùng giao dịch đến thời điểm cuối tháng 9 với nhiều “kết quả khả quan”. Người dùng GoPay Coin có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn 2,3 lần so với nhóm người dùng còn lại. Nó cũng giúp giảm 20% chi phí thâu tóm người dùng và người dùng GoPay Coin có tỷ lệ giữ chân cao hơn 25% so với nhóm còn lại.

Doanh thu từ nhóm dịch vụ theo nhu cầu trong quý III/2022 của GoTo tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhóm dịch vụ di chuyển thúc đẩy. Giá trị giao dịch của dịch vụ di chuyển đã bật tăng về mốc tương đương 94% thời kỳ trước đại dịch.

GoTo cũng đạt được cột mốc quan trọng: số dư đảm phí dương cho mảng dịch vụ theo nhu cầu đạt được trước mục tiêu vài tháng.

Tăng trưởng TMĐT ổn định

Mặc dù người dùng có xu hướng hoạt động trực tiếp trở lại, TMĐT của GoTo đạt doanh thu gộp tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của việc tăng tỷ lệ phí thu cùng với đó là các dịch vụ gia tăng như quảng cáo hay logistics được đón nhận mạnh mẽ.

Dù vậy, cạnh tranh ở mảng này vẫn rất khốc liệt, đặc biệt là sức ép từ TikTok. Khi được hỏi về TikTok, ông Soelistyo thừa nhận TikTok Shop tăng trưởng nhanh trong vài quý trở lại đây. Dù vậy, ông nhấn mạnh sự khác biệt trong cách tiếp cận của Tokopedia đối với việc giao hàng, dịch vụ khách hàng và khả năng thanh toán.

Là một sàn TMĐT, Tokopedia có thể đảm bảo khác hàng mua được bất kỳ thứ gì mình muốn và các trải nghiệm mua sắm chất lượng cao. Ngược lại, người dùng tìm đến TikTok để xem các nội dung xã hội và thường mua sắm một cách không có chủ đích.

“TikTok không có nhiều đầu tư vào chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng, ký gửi, giải quyết khiếu nại và đầu tư vào logistics hay thanh toán cũng hạn chế”, ông Soelistyo quan sát.

“Dù vậy, chúng tôi không đánh giá thấp TikTok. Chúng tôi cũng làm nhiều điều để tận dụng các mạng xã hội trong việc tiếp cận người dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư ở phương diện này”, ông nói.

Cẩn trọng với fintech ở thời điểm hiện tại

Doanh thu gộp ở mảng fintech tăng 48% so với cùng kì năm ngoái với việc triển khi ví điện tử GoPay sâu rộng hơn cùng tỷ lệ người dùng lần lượt là 60% trên Gojek và 58% trên Tokopedia.

Dù vậy, trong bối cảnh “chu kỳ tín dụng và điều kiện kinh tế vĩ mô”, GoTo nhấn mạnh rằng nó đang “dùng chiến lược tiếp cận thận trọng với các khoản cho vay”. Lúc này, GoTo tập trung vào khả năng quản trị rủi ro để có thể “sẵn sàng tăng quy mô khi cần vào năm 2023 hoặc khi điều kiện kinh tế cải thiện”.

Nam Khánh