|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lo ngại về hành trình tìm kiếm lợi nhuận của GoTo khi đội ngũ sáng lập dần rời vị trí lãnh đạo

09:17 | 02/07/2022
Chia sẻ
Sau sự ra đi của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Gojek, Kevin Aluwi, Tập đoàn GoTo đang phải chật vật vạch ra con đường tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh ngành công nghệ toàn cầu suy thoái.

Ông Kevin Aluwi, Co founder của Gojek (trái) và ông Andre Soelistyo, Chủ tịch kiêm CEO GoTo. (Ảnh: GoTo Group).

Tháng 5/2021, Tập đoàn GoTo được ra đời sau thương vụ sáp nhập của công ty gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia. Cả hai đều ghi dấu ấn với tư cách là kỳ lân của Indonesia.

Theo Nikkei Asia, hai công ty cùng nhiều đơn vị khác như công ty thương mại điện tử địa phương Bukalapak, đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời tạo đối trọng cạnh tranh với Grab và Sea có trụ sở tại Singapore.

Hôm 28/6, trong cuộc họp cổ đông thường niên của GoTo Group, công ty đã thông qua việc ông Kevin Aluwi, nhà đồng sáng lập Gojek, chuyển từ vị trí CEO sang ban giám sát của các ủy viên. Đáng chú ý, ông Aluwi cũng đang đảm nhận vai trò tương tự tại Electrum, một liên doanh giữa Gojek và TBS Energi Utama nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện hai bánh ở Indonesia.

Theo nhận định của CEO Jianggan Li thuộc công ty tư vấn Momentum Works, quyết định của ông Kevin Aluwi là hoàn toàn dễ hiểu. Ông Li nói với Nikkei Asia: “Là một phần của một tập đoàn lớn hơn, được niêm yết công khai bao gồm cả Tokopedia, Gojek bây giờ rất khác so với một năm rưỡi trước. Có [nhiều] lợi ích hơn để cân bằng, nhưng áp lực cạnh tranh vẫn còn cao."

GoTo đã huy động được 1,1 tỷ USD khi IPO trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia vào tháng 4. Các cổ phiếu được giao dịch vào chiều 1/7 ở mức 370 rupiah, giảm từ 382 rupiah. Và họ đã thể hiện hiệu suất tốt hơn nhiều so với đối thủ Grab.

Biến động giá cổ phiếu của GoTo (màu xanh) và Grab từ đầu năm cho tới nay. (Nguồn: Google Finance).

Tuy nhiên, một thách thức quan trọng đối với Andre Soelistyo, CEO kiêm chủ tịch của GoTo là công ty đang "bơi trong mực đỏ" - một thuật ngữ nói về sự khó khăn trong vấn đề tài chính.

Theo đó, GoTo đã công bố khoản lỗ ròng 21,4 nghìn tỷ rupiah (1,43 tỷ USD) vào năm 2021 trong báo cáo tài chính đầu tiên kể từ khi niêm yết công chúng. Trong ba tháng đầu năm nay, GoTo cho biết họ đã lỗ ròng 6,5 nghìn tỷ Rupiah - tệ hơn mức lỗ 1,8 nghìn tỷ Rupiah giả định trong cùng kỳ năm 2021. 

Khi sự cạnh tranh ở Đông Nam Á ngày càng nóng lên, các đối thủ của GoTo cũng phải đối mặt với những thời điểm khó khăn. Sea báo cáo khoản lỗ ròng 580 triệu USD trong quý I, gia tăng từ mức lỗ 422 triệu USD trong cùng quý năm trước do tiếp tục chi mạnh tay cho hoạt động marketing.

Grab, công ty đặt xe và giao hàng lớn nhất khu vực, đã báo cáo khoản lỗ 435 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, mặc dù con số này nhỏ hơn khoản lỗ 666 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trái ngược với GoTo, CEO sáng lập của Grab và Sea đang tăng cường kiểm soát công ty. Ông Li cho biết: “Các CEO sáng lập thường để lại dấu ấn mạnh mẽ ở tổ chức mà họ thành lập. Ngoài ra, họ có xu hướng bỏ qua nhiều thứ mà một CEO quản lý chuyên nghiệp thường khó làm được." Theo ông Lu, các nhà sáng lập thực tế có nhiều quyền với cấp dưới và ít gặp sức ép bởi HĐQT hơn.

Để giữ cho tổ chức hoạt động hiệu quả, GoTo sẽ cần tiếp tục thu hút và giữ chân những tài năng hàng đầu ở đội ngũ lãnh đạo. Theo ông Li, đây sẽ là một bài kiểm tra lớn đối với khả năng lãnh đạo của những nhân sự này, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh lớn là Grab và Sea vẫn được điều hành bởi những người sáng lập ban đầu có ý chí mạnh mẽ.

 HĐQT GoTo Group tại cuộc họp cổ đông hôm 28/6. (Ảnh: GoTo Group).

Những người đồng sáng lập của Grab đã giữ được ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công ty khi công ty phát triển thành một gã khổng lồ công nghệ hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á. CEO Anthony Tan được biết đến với phong cách lãnh đạo thực hành, đi nhiều nơi và đóng vai trò là bộ mặt của công ty.

Trong khi đó, Giám đốc vận hành kiêm nhà đồng sáng lập, Tan Hooi Ling đã từng tự mô tả bản thân là "người thợ sửa ống nước" của công ty vì tính thực dụng của mình. 

Ngay cả sau khi Grab ra mắt công chúng vào tháng 12 năm ngoái, những người đồng sáng lập vẫn duy trì sự ổn định của họ. Theo hồ sơ nộp lên SEC vào cuối tháng 5, Grab niêm yết trên sàn Nasdaq có nhiều cổ phiếu có quyền biểu quyết, với ban lãnh đạo kiểm soát 62,4% quyền biểu quyết mặc dù chỉ nắm giữ 3,6% cổ phần của công ty.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia vào tháng 12,  CEO Anthony Tan bảo vệ cơ cấu sở hữu, nhưng ông cũng cho biết công ty coi trọng tư duy độc lập. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sea, Forrest Li, được biết đến là người nhẹ nhàng và kiệm lời, hiếm có trong ngành công nghệ, mặc dù quyền kiểm soát của ông đang được củng cố với quyền biểu quyết tăng lên khoảng 60% vào tháng 2, từ mức 38% của năm trước, theo báo cáo hàng năm.

Heru Sutadi, CEO ICT Institute chi nhánh Indonesia, một tổ chức tư vấn tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông, cho biết ông Kevin Aluwi có khả năng sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng. “Thay đổi ban lãnh đạo là điều bình thường, dựa trên nhu cầu của cổ đông hoặc quyết định của cá nhân. Kevin bây giờ là một ủy viên, vì vậy ông ấy vẫn có thể đóng góp ý kiến ​​cho ban lãnh đạo", ông Sutadi nói.

Bản thân Aluwi cũng khẳng định điều đó. "Sau gần một thập kỷ dẫn dắt Gojek, tôi cảm thấy rằng đã đến lúc tôi phải chuyển sang ít thường trực hơn", nhà đồng sáng lập Gojek từng nói. Đồng thời, ông cho biết sẽ ở lại tham gia "ở cấp chiến lược", trong khi theo đuổi "lợi ích cá nhân của bản thân trong môi trường công nghệ." Trước đó, Nadiem Makarim, người cùng Aluwi đồng sáng lập Gojek, đã từ chức Giám đốc điều hành vào năm 2019 để tham gia nội các của Tổng thống Joko Widodo.

Nhưng GoTo vẫn có DNA của người sáng lập từ ông William Tanuwijaya, nhà đồng thành lập Tokopedia và là ủy viên của GoTo.

Reza Priyambada, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu CSA cho biết: "Điều quyết định sự thành công trong kinh doanh của GoTo không chỉ nằm ở việc người sáng lập có ở lại quản lý hay không, mà là việc ban lãnh đạo sẽ được lấp đầy bởi những người có năng lực vì lợi ích của cổ đông, phù hợp với lộ trình và chiến lược kinh doanh”.

Doanh Chính