|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công trình Viettel (CTR) đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang

20:12 | 02/04/2021
Chia sẻ
Trong lần đại hội này, Công trình Viettel dự kiến trình cổ đông chấp thuận về việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý đường dây thuê bao và phát triển mới khách hàng cố định băng rộng với tổng giá trị tạm tính gần 2.163 tỷ đồng.

Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction, mã: CTR) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/4 tới.

Đặt kế hoạch lãi sau thuế đi ngang

Cụ thể, công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 275 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,4% và 0,6% so với năm 2020.

Trong đó, tổng doanh thu kế hoạch của công ty mẹ là 6.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 269 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn dự kiến chia cổ tức năm nay với tỷ lệ 10% - 20%.

Công trình Viettel sẽ có hợp đồng hơn 2.100 tỷ đồng năm 2021 - Ảnh 1.

Doanh thu (cột trái) và lợi nhuận sau thuế (cột phải) của Công trình Viettel. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất của CTR).

Dự kiến ký hợp đồng gần 2.163 tỷ đồng

Trong lần đại hội này, Công trình Viettel dự kiến trình cổ đông chấp thuận về việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý đường dây thuê bao và phát triển mới khách hàng cố định băng rộng năm 2021 với tổng giá trị hợp đồng tạm tính gần 2.163 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng trong 12 tháng.

Công ty cũng sẽ trình cổ đông chấp thuận ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật của tổng công ty ký hợp đồng cho năm 2022 với nội dung, phạm vi công việc tương tự mà giá trị ước tính của hợp đồng không vượt quá 10%- 15% giá trị hợp đồng năm 2021.

Theo Công trình Viettel, các hợp đồng này là thường xuyên, là nguồn việc chính và được tiến hành đều đặn trong suốt 12 tháng/năm và để đảm bảo nguồn doanh thu, lợi nhuận cho tổng công ty.

Đồng thời HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ đồng ý cho phép việc HĐQT thông qua các giao dịch, hợp đồng kinh tế mang tính chất thường xuyên, liên tục với cổ đông Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) có giá trị dưới 35% giá trị tài sản của tổng công ty do việc phải tổ chức ĐHĐCĐ thông qua từng hợp đồng là bất khả thi.

Đánh giá về tình hình kinh doanh năm 2020, Công trình Viettel cho biết, cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam có hiệu lực từ tháng 5/2020 đã tạo điều kiện cho tổng công ty đẩy mạnh triển khai cung cấp các giải pháp về nguồn năng lượng sạch cho doanh nghiệp và người dân. 

Tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời của công ty trên cả nước đạt khoảng 16.500 MWp, chiếm 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có 8.000 MWp là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MWp điện mặt trời trang trại lớn.

Minh Hằng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.