Công nghiệp mãi “lẹt đẹt”: Đã đến lúc cần một mô hình mới?
Chỉ số sản xuất công nghiệp - một trong 3 khu vực có đóng góp quan trọng, quyết định vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nhưng tính đến hết năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và càng xa vời hơn với mục tiêu mức tăng trưởng 10% trong năm 2016.
Công nghiệp hỗ trợ bị phân tán
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung trong cả năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2015, thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh.
Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao trong năm 2016. (Ảnh minh họa: KT)
Nhìn vào số liệu sản xuất toàn ngành công nghiệp trong năm qua cho thấy, mặc dù các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2% nhưng sự giảm sâu của ngành công nghiệp khai khoáng - với mức giảm tới 5,9% đã kéo theo mức giảm chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2016. Điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khai thác tài nguyên thời gian qua, chưa chú trọng đầu tư chế biến sâu và phát triển công nghiệp nền tảng.
Không thể phủ nhận tăng trưởng kinh tế trong suốt một khoảng thời gian dài đã phụ thuộc vào xuất khẩu thô khoáng sản, dầu mỏ và than đá. Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam hoặc chưa được coi trọng, hoặc đầu tư dàn trải, manh mún, tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở gia công, lắp ráp.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Việt Nam hoặc chưa được coi trọng, hoặc đầu tư dàn trải, manh mún, tự phát dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bền vững thì không có con đường nào khác, phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, bởi nó chính là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một ngành công nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa Việt Nam mới ở giai đoạn bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, đối tượng chính tạo ra sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ được xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa - doanh nghiệp tư nhân đã không có được nhiều ưu tiên, ưu đãi như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lại càng không có được các cơ chế hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI như các cam kết đầu tư.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại đặt nhiều câu hỏi: Tại sao chủ trương công nghiệp hóa qua nhiều năm vẫn chưa vào cuộc sống? Công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu khi những tồn tại của một nền kinh tế làng xã đang là lực cản lớn trong nền kinh tế thị trường và công nghiệp hóa?
“Có những hạn chế khách quan trong khi thế giới luôn đổi mới công nghệ. Nếu Việt Nam không cẩn thận sẽ dễ bị rơi vào “bẫy của sự dịch chuyển công nghệ lạc hậu hoa hồng cao”. Các nước công nghiệp phát triển luôn luôn đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Họ thường chuyển công nghệ cũ, lạc hậu ô nhiễm sang các nước đang và kém phát triển…”, ông Tự cảnh báo.
Mô hình nào cho phát triển?
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm yếu cũng là thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đó là doanh nghiệp Việt Nam luôn bị động trước những cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Trong khi, hiện mới có khoảng 20% số doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malayssia và Thái Lan.
Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đang ngày càng trở nên khó khăn trong tiến trình phát triển chung, đòi hỏi phải xem xét lại vấn đề căn bản đó là lợi thế cạnh tranh.
Nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh, việc đầu tiên công nghiệp Việt Nam phải xác định được ngành nghề sản xuất, sản phẩm dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Sau đó là cần phải có những chính sách về tài chính ngân hàng, chính sách marketing bán hàng cho tốt.
“Hiện nay các ngành công nghiệp của chúng ta đang gặp khó khăn có thể là do chúng ta chưa xác định được những ngành sản xuất công nghiệp, những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những lợi thế cạnh tranh của các nước luôn có những thay đổi”, ông Khương chỉ rõ.
Từ những thực tế đặt ra của việc phát triển nền công nghiệp thời gian qua cũng như năm 2016, Việt Nam cần một mô hình mới cho phát triển công nghiệp, một mô hình phù hợp với điều kiện của một đất nước đang phát triển.
Điều này vừa phát huy được những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của một nền nông nghiệp truyền thống, vừa khắc phục được những điểm yếu về vốn, về quy mô và công nghệ so với các nền kinh tế phát triển đã đi trước Việt Nam từ rất nhiều năm qua./.