Công khai 'nỗi đau' từ BOT
Tài xế 'tố' BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc nhưng không xả trạm | |
Vì sao BOT Pháp Vân mới sửa đã thu phí như cao tốc? | |
BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ: 'Đầu tư 30% mà thu phí như đường mới là trắng trợn' |
Đây rõ ràng là thực trạng “đau lòng” khi Kiểm toán Nhà nước công khai trước cộng đồng quốc tế về các dự án BOT ở Việt Nam. Phương thức đầu tư đối tác công tư trong lĩnh vực giao thông, điển hình là các dự án BOT, chắc cũng không ai ngờ lại làm đau đầu cả Chính phủ.
Trong các dự án BOT, xét về nguyên lý cơ bản, phương thức chuẩn sẽ là: nhà đầu tư tiến hành xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác.
BOT thành nỗi ám ảnh
Hấp lực của BOT giao thông quả thực là khó có thể cưỡng lại. Chẳng vậy mà theo thống kê, cho tới nay đã có gần 200.000 tỷ được đầu tư vào BOT giao thông. Một chuyên gia của Ban pháp chế, VCCI nhận định rằng: con số đó là niềm mơ ước của nhiều quốc gia. Và ngay cả những cơ quan có thẩm quyền cũng nhận định: BOT là một chủ trương đúng và có hiệu quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội.
Còn Bộ GTVT, sau những cuôc phản đối tại nhiều trạm BOT trên cả nước đã thống kê hồi tháng 1/2018 như sau: hiện cả nước có 88 trạm thu phí , Bộ GTVT đang quản lý 73 trạm thu phí (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm. Về khoảng cách trạm, hầu hết đảm bảo 60-70 km, 20 trạm có khoảng cách thấp hơn 60 km.
Hiện có sáu trạm được đầu tư tuyến tránh và nâng cấp quốc lộ gồm Nam Cầu Giẽ, Bến Thủy, Quán Hàu, Trảng Bom, BOT Sóc Trăng và BOT Cai Lậy.
Thực tế những lùm xùm tại các trạm BOT đều có một nguyên nhân: mức phí vô lý đối với nhiều đối tượng. Bởi nếu coi các tuyến đường BOT là một loại dịch vụ, thì đương nhiên phải theo nguyên tắc: “có sử dụng, có trả phí”. Tuy nhiên, thực tế những trạm BOT đang không cho người tiêu dùng có sự lựa chọn nào khác vì những con đường BOT không phải là những con đường xây mới rồi thu phí có thời hạn như đúng bản chất của nó.
Mới chỉ là tảng băng chìm
Kiểm toán 49 dự án giảm 173 năm. Vậy giả sử tất cả 88 dự án BOT giao thông trên cả nước được kiểm toán, thì số năm giảm phí sẽ thế nào? Khó có ai có thể trả lời cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ vẫn là… hàng trăm năm.
Một trong những quan điểm chính thức của Bộ KH&ĐT gần đây đã đưa ra: “Mức thu phí cao gây bức xúc dư luận, có thể dẫn đến bóp méo, làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông”.
Điều dễ nhìn thấy nhất chính là nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. “Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc kéo dài trong thời gian qua”, Bộ KH&ĐT nhận định.
Hệ quả của nó là gì? Đó là lẽ ra, các dự án BOT phải là xây dựng các tuyến đường mới, nhưng thực tế chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Có khi xây đường tránh quốc lộ, rồi tráng một lớp nhựa ở đường cũ, thế mà cũng thu phí toàn tuyến trong mấy chục năm. Trong khi đó, lẽ ra với việc nâng cấp như vậy, việc thu phí chỉ có thể là thu theo lượt chứ không thể thu theo quãng được thực tế mà người tiêu dùng sử dụng.
Việc kiểm soát vì vậy là bất khả thi đến mức, có trạm BOT báo cáo một ngày thu được hơn 1 tỷ đồng, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm đếm, thì thực tế số tiền thu phí một ngày lên tới 1,9 tỷ đồng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những chủ đầu tư BOT một thời gian trước đã kiên quyết chưa áp dụng hình thức thu phí tự động. Bởi nếu vậy thì rất có thể số tiền thu phí thực tế sẽ lớn hơn và thời gian để hoàn vốn và có lãi sẽ ngắn lại. Để đến khi những vụ phản đối các trạm BOT ở nhiều nơi nổi lên, thì niềm tiếc nuối dâng tràn.
Mặt khác, thông thường các dự án BOT thường có tổng mức đầu tư dạng khái toán, có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân trọng yếu để mỗi khi Kiểm toán nhà nước vào cuộc, thì hàng chục, hàng trăm năm thu phí được giảm đi một cách hợp lý.
Bộ KH&ĐT, vẫn hồi cuối năm 2016, đã rất thẳng thắn khi cho rằng: đi kèm với làn sóng đầu tư đó là một loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, mức thu phí mỗi nơi một khác, một số nơi mức thu phí chưa tương xứng với khả năng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận.
Đó chính là mặt trái của tấm huy chương, là cái giá phải trả bằng hàng trăm năm thu phí.