|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cơn 'sốt' giá đất nền đang lan rộng ở vùng ven TP HCM

16:09 | 25/04/2017
Chia sẻ
Không riêng gì khu phía đông, cơn sốt đất nền tại TP HCM đã lan rộng sang vùng ven các quận huyện phía tây bắc như quận 12, Hóc Môn và phía nam như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ…. Đất nền đang trở thành tâm điểm tăng giá với mức tăng cao nhất đạt 60%.
con sot gia dat nen dang lan rong o vung ven tp hcm
Giá đất nền tại huyện Nhà Bè, TP HCM đang tăng nhanh thời gian qua.

Tăng mạnh trên diện rộng

Theo khảo sát của PV, tại quận 12, giá đất đã tăng cao từ 10-20%. Cụ thể, tại khu Tân Chánh Hiệp, Thạnh Xuân, An Phú Đông,Thới An, Hiệp Thành… đã tăng từ 3 -5 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Tương tự, khu Thới Tam Thôn, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)… cũng có mức tăng đáng kể.

Trong khi đó, tại phía nam thành phố (TP), một số dự án đất nền chào bán đầu năm như Lavila, Nine South Estate (Nhà Bè), Nam Sài Gòn Riverise, khu dân cư 13A (Bình Chánh)… đang được rao bán thứ cấp với giá tăng thêm 5%.

Một số dự án như Đại Phúc Green Villas, khu dân cư Gia Hòa, Dương Hồng Garden House... giá bán giao động từ 12-30 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng 100% trong vòng 3 năm qua.

Tại huyện Nhà Bè, giá đất nền đang phổ biến ở mức 25 triệu đồng/m2. Mức giá này đang ngang ngửa so với cơn sốt đất cao năm 2007 (khoảng 27 triệu đồng/m2). Còn tại huyện Hóc Môn, đất thổ cư cũng được người dân rao bán rầm rộ và thị trường xuất hiện nhiều dự án mới. Còn tại huyện Bình Chánh, đất gần chợ đầu mối Bình Điền đã tăng vọt lên gấp đôi, khi đạt 18 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát của Công ty TNHH Gachvang, giá đất tại 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh thời điểm đầu năm 2017 đã tăng tới 20% so với đầu 2016. Trong đó, giá tăng mạnh nhất nằm ở những tuyến đường chính như đường Nguyễn Hữu Thọ với mức tăng lên đến 36 triệu đồng/m2. Hiện tại, mức giá này đang tiếp tục tăng mạnh.

Đáng chú ý, hơn 1 tháng nay, khu vực đường Rừng Sát tại huyện Cần Giờ trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM khi giá đất liên tục tăng nhanh và trở thành cơn sốt tăng giá mới. Giá các khu đất rộng hơn 1.000m2 tại huyện này đã tăng đến 20%, các vị trí càng gần trung tâm thị trấn huyện, giá tăng khoảng 40-60%. Giá đất tại khu vực nằm sát những dự án lớn đang triển khai xây dựng ở ven biển cũng đã tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2016.

Theo CBRE, việc đất nền tăng giá chóng mặt này là do trong năm 2017, một số dự án cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các vùng trong TP. Tuy nhiên, việc tăng giá mới chỉ được ghi nhận từ bên bán, thế nên không loại trừ khả năng đây là hiện tượng sốt giá ảo.

Nguy cơ trở thành “bong bóng”

Nhiều chuyên gia địa ốc cho rằng, sở dĩ giá đất khu nam tăng giá nhanh chóng thời gian gần đây là do thông tin 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè sắp được thành quận.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thông tin lên quận là một yếu tố không lớn tác động tới giá đất khu nam. Yếu tố đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, mở đường, mở cầu… mới là yếu tố lớn hơn.

“Quận chỉ là một danh xưng không ảnh hưởng nhiều. Đơn cử như đất Cần Giờ tăng giá do sắp xây cầu Cần Giờ. Cây cầu này đương nhiên phải có, không kế hoạch năm nay thì sang năm; không sang năm thì sang năm nữa. Đó là nhu cầu phát triển của TP về phía nam mà Cần Giờ là một huyện quan trọng khi có biển nên TP tập trung nguồn lực để phát triển. Người dân ở đây đón đầu việc xây dựng cây cầu nên giá đất đang sốt lên. Còn sốt như thế nào thì khó có bác sĩ nào có thể chuẩn đoán được”, ông Đực chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói rằng người mua cần xem xét kỹ việc bỏ tiền mua đất để chờ lên quận tại các huyện này.

“Người dân có nhu cầu ở thực mà lại phải mất tiền cho nhà đầu cơ thứ cấp là hết sức vô lý. Việc giá đất lên xuống theo tin đồn cũng hết sức nguy hiểm cho thị trường bởi việc phát triển rầm rộ dự án, mua đi bán lại liên tục có thể dẫn thị trường tới nguy cơ rơi vào tình trạng bong bóng như năm 2008.

Vì vậy, chính quyền TP hành phố cần có biện pháp cụ thể đối với vấn đề này. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Cái lợi chỉ có giới đầu tư hưởng nhưng cái hại thì người dân, ngân hàng và cả thị trường gánh. Ví dụ năm 2007 khi thị trường bị thổi lên cao rồi bong bóng vỡ, ngân hàng điêu đứng, nhà đầu cơ phá sản, khách hàng nhận ra mình mua đất với giá ngất ngưởng”, ông Châu nhận định.

Còn bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Bất động sản DonaLand cho rằng giới đầu cơ địa ốc đang có quan điểm đất thì không nở ra được mà người ngày càng nhiều. Do đó, khi mà lên quận, trước sau gì bất động sản cũng sẽ phát triển. Nếu giờ chưa đủ điều kiện nhưng trước sau gì cũng sẽ đủ điều kiện để lên quận. Khi lên quận, nhiều người sợ không mua nổi do giá cao nên tâm lý là mua trước để đón đầu. Chính vì ai cũng có tâm lý như vậy nên giá đất bị đẩy giá lên cao.

Bà Tú khuyên người mua các sản phẩm đất nông nghiệp, không phải đất dự án giai đoạn này phải bình tĩnh và nên kiểm tra quy hoạch, coi chừng dính tới quy hoạch và vướng pháp lý.

“Người mua cũng cần phải kiểm tra giá cho kỹ, trong việc môi giới sản phẩm có rất nhiều cách để các đơn vị thổi giá. Như việc chỉ có miếng đất mà chục người hỏi, thành ra ai cũng tưởng nóng, chủ đất cũng tưởng sốt nên tăng giá lên. Sau đó nay cọc, ngày mai hủy cọc; nay bán, ngày mai hủy bán, cứ như vậy mình nhào vô vì thấy lợi nhuận trước mắt. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng, có vốn dư thì hãy mua, không nên vay ngân hàng giai đoạn này vì thời gian gần đây lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng. Như vậy sẽ rất áp lực”, bà Tú nói.

Phan Diệu

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.