|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Coca-Cola và hàng chục doanh nghiệp cam kết rời Nga, nhưng sau cùng vẫn ở lại

16:07 | 18/06/2024
Chia sẻ
Ngay cả những công ty muốn rời khỏi Nga cũng khó cắt đứt mối liên hệ với thị trường này.

 

Coca-Cola không hoàn toàn biến mất khỏi thị trường Nga. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Sau khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine vào tháng 2/2022, Coca-Cola là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên cam kết sẽ rời khỏi xứ sở Bạch Dương.

Nhằm tránh những vấn đề đau đầu không thể tránh khỏi khi tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Điện Kremlin, Coca-Cola đã yêu cầu đối tác loại bỏ sản phẩm của mình khỏi kệ hàng, ngừng giao nguyên liệu cũng như ngừng sản xuất đồ uống.

Hai năm sau, logo màu đỏ đặc trưng của Coca-Cola vẫn xuất hiện ở các siêu thị, nhà hàng trên khắp nước Nga, hãng tin Bloomberg cho hay.

Gần đây, người Nga còn được dịp dùng một loại nước ngọt có ga mới tên là Dobry Cola. Sản phẩm này cũng được bán trong lon với tông đỏ khá quen mắt và hương vị mà không mấy người có thể phân biệt được với Coca-Cola.

Xét theo một vài khía cạnh, Coca-Cola vẫn là nhà sản xuất đồ uống hàng đầu tại Nga. Đó là bởi vì Multon Partners, công ty đóng chai cho Coca-Cola ở Nga, thuộc sở hữu của một doanh nghiệp riêng biệt, niêm yết ở London tên là Coca-Cola HBC. Công ty mẹ ở Mỹ sở hữu 21% cổ phần của Coca-Cola HBC.

Khi Coca-Cola HBC ngừng sản xuất nước ngọt sau khi Nga tấn công Ukraine, Multon đã giới thiệu Dobry Cola. Theo hãng nghiên cứu Prodazhi.rf, Dobry Cola đã trở thành loại soda phổ biến nhất ở Nga.

bản thân Coca-Cola vẫn được bày bán rộng rãi ở Nga nhờ nguồn hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng như Georgia và Kazakhstan.

Sau khi chiến sự nổ ra, Moscow đã thông qua luật cho phép doanh nghiệp bán hàng hoá có thương hiệu mà không cần sự đồng thuận của chủ sở hữu thương hiệu. Vì vậy, Coca-Cola vẫn là loại soda phổ biến thứ ba ở Nga, chiếm 6% thị phần.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Coca-Cola không gặp khó khăn ở thị trường Nga. Coca-Cola HBC cho biết doanh số bán hàng tại Nga tăng 12% vào năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn gần 30% so với năm 2021, khi Coca-Cola là hãng nước giải khát bán chạy nhất với 26% thị phần.

 

 

 

Coca-Cola không phải công ty đa quốc gia duy nhất không hoàn toàn rút khỏi Nga. Vào tháng 9/2022, PepsiCo thông báo họ đã ngừng sản xuất và bán Pepsi, Mountain Dew và 7Up tại đó, đồng thời công ty này tiết lộ thị phần đã giảm mạnh.

Song, PepsiCo đã sớm bổ sung một loại cola mới có tên Evervess và tăng sản lượng Frustyle (một loại nước uống trái cây tương tự Mirinda) tại nhiều nhà máy ở Nga, theo Bloomberg.

Năm ngoái, doanh số của công ty con PepsiCo tại Nga đã tăng 12% lên 209 tỷ ruble (tương đương 2,3 tỷ USD). Doanh thu từ mảng kinh doanh thực phẩm trẻ em và sữa tăng 10% lên 129 tỷ ruble.

Theo nghiên cứu của Trường Quản lý Yale, kể từ năm 2022, hơn 1.000 công ty đa quốc gia cho biết họ đang thu hẹp quy mô hoạt động tại Nga.

Tuy nhiên, nhiều cái tên vẫn ở lại. Unilever và Nestlé, với các cơ sở sản xuất lớn tại đó, không muốn bán công ty con với mức chiết khấu mạnh mà Điện Kremlin yêu cầu như một khoản thuế cho việc rút lui.

Nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg và hãng sữa chua khổng lồ Danone bị tịch thu tài sản khi họ tìm cách rời đi. May mắn cho Danone là cuối cùng họ đã thành công thương lượng bán lại tài sản cho một công ty được chính phủ Nga hậu thuẫn.

Nhà điều hành siêu thị Pháp Auchan, nhà bán lẻ quần áo Benetton và hai chuỗi nhà hàng Subway, TGI Fridays tiếp tục hoạt động ở Nga mà không có kế hoạch rút lui rõ ràng.

Đối với những doanh nghiệp vẫn ở lại Nga, việc chuyển lợi nhuận về nước là một nhiệm vụ khó khăn vì họ không dễ xin được giấy phép để mang tiền ra nước ngoài.

Song, lợi nhuận của các công ty đó ở thị trường Nga là rất lớn. Nhờ chi tiêu của chính phủ cho cuộc chiến, nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm ngoái, giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp lịch sử 2,6% và thúc đẩy tiền lương tăng đáng kể.

Nhà kinh tế Tatiana Orlova của Oxford Economics cho biết: “Chính sách tài khoá lỏng lẻo của Nga đã giúp bơm một lượng tiền kỷ lục vào khu vực công. Và thị trường lao động Nga đang siết rất chặt”.

 

Khả Nhân