|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu rơi vào tình cảnh trớ trêu, nền kinh tế bị đe dọa bởi cả Nga, Mỹ và Trung Quốc

10:40 | 03/04/2024
Chia sẻ
Sau khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine gây ra, châu Âu đang phải đối mặt với cú sốc hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và mối đe dọa thuế quan của Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử.

Từ trái sang theo chiều kim đồng hồ: Cờ của EU, Mỹ, Trung Quốc và Nga. (Ảnh: Getty Images). 

Ba rủi ro

Châu Âu không phải khu vực nổi tiếng vì sự năng động. Song ngày nay, châu lục này đã rơi vào tình trạng trì trệ. Kiệt sức vì cú sốc năng lượng sau khi Nga tấn công Ukraine, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã không thể tăng trưởng kể từ cuối năm 2022.

Như thể tình cảnh này chưa đủ tệ, châu Âu còn phải đối mặt với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Hàng hóa với giá cả phải chăng có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại có nguy cơ gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong khu vực, làm gia tăng xung đột xã hội và công nghiệp.

Và, trong vòng một năm nữa, ông Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng, mạnh tay áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của châu Âu.

Ba rủi ro xuất hiện ngay thời điểm tồi tệ với châu Âu khi lục địa già cần nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ để có tiền tài trợ cho chi tiêu quốc phòng và đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch. 

 

Các chính phủ châu Âu đang chạy đua để giải quyết ba rắc rối nói trên, nhưng họ cần cẩn thận. Dù các cú sốc mà châu Âu phải đối mặt có nguồn gốc từ nước ngoài, sai lầm của các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ khiến thiệt hại tăng lên gấp bội.

Tin tốt là châu Âu đã vượt qua giai đoạn đau đớn nhất vì cú sốc năng lượng của Nga. Giá khí đốt đã giảm mạnh kể từ đỉnh. Tin xấu là hai thách thức khác mới chỉ đang bắt đầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, Bắc Kinh đang sử dụng trợ cấp để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, với mục tiêu dựa vào người tiêu dùng nước ngoài để kích thích tăng trưởng, theo Economist.

Trọng tâm của Trung Quốc là hàng hóa phục vụ cho nền kinh tế xanh, đáng chú ý nhất là xe điện. Tỷ trọng của Trung Quốc trên thị trường xe điện có thể tăng gấp đôi lên hơn 30% vào năm 2030.

Kịch bản đó sẽ chấm dứt thế thống trị của các công ty “quốc bảo” của châu Âu như Volkswagen và Stellantis. Từ tua-bin gió cho đến thiết bị đường sắt, các nhà sản xuất châu Âu đang nín thở theo dõi tình hình ở phương đông.

Sau tháng 11, các nhà sản xuất có lẽ cũng sẽ phải dõi theo tình hình từ phương Tây. Khi còn ở trong Nhà Trắng, ông Trump đã áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, dẫn đến việc EU tung đòn đáp trả lên xe máy và rượu whiskey của Mỹ. Phải đến khi ông Joe Biden lên nhậm chức vào năm 2021, hai bên mới đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại.

Ông Trump đề xuất sẽ áp mức thuế quan 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nếu tái đắc cử. Một vòng thương chiến nữa sẽ là mối họa đối với các nhà xuất khẩu châu Âu. Trong năm 2023, họ bán được 500 tỷ euro (tương đương khoảng 540 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ.

Ông Trump rất chú ý đến cán cân thương mại song phương. Theo đó, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu. 

Châu Âu nên ứng phó thế nào?

Con đường phía trước của châu Âu đầy thử thách. Một trong số đó là siết chặt chính sách tiền tệ trong lúc nền kinh tế rất dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm đúng khi tăng lãi suất để chống lạm phát.

Nhưng khác với Mỹ, các chính phủ của châu Âu đang điều chỉnh ngân sách theo hướng cân bằng hơn. Điều đó sẽ giúp hạ nhiệt nền kinh tế và qua đó làm giảm áp lực giá cả. Cùng lúc đó, hàng hóa rẻ từ Trung Quốc sẽ trực tiếp kéo lạm phát xuống.

Các yếu tố trên đem lại cho các ngân hàng trung ương châu Âu dư địa để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Việc đối phó với sự gián đoạn từ bên ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu các ngân hàng trung ương ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái.

 

Thách thức khác là học hỏi các biện pháp bảo hộ của Mỹ và Trung Quốc bằng cách mạnh tay trợ cấp cho các ngành công nghiệp. Các cuộc chiến trợ cấp là trò chơi có tổng bằng 0, làm lãng phí nguồn tài nguyên khan hiếm.

Chính sách công nghệ của Mỹ đã không gây được ấn tượng với cử tri như những gì mà Tổng thống Biden mong đợi, thuế quan khiến nhiều việc làm bị xóa sổ hơn là được tạo ra, theo Economist.

Trái lại, thương mại giúp các nền kinh tế trở nên giàu có hơn dù các đối tác của họ thi hành chính sách bảo hộ. Sự bùng nổ của ngành sản xuất ở Mỹ là cơ hội để các nhà sản xuất châu Âu cung ứng linh kiện.

Hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ giúp quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng đã phải chịu đựng trong cuộc khủng hoảng năng lượng.

Châu Âu nên thiết kế chính sách kinh tế phù hợp với bản thân và thời đại. Trong bối cảnh Mỹ rót tiền vào các ngành công nghiệp, châu Âu nên chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Và châu Âu cũng nên học hỏi những lợi ích mà doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng từ thị trường nội địa rộng lớn.

Việc hợp nhất thị trường dịch vụ của châu Âu sẽ giúp các công ty tăng trưởng, thúc đẩy sự đổi mới và thay thế một số công việc bị xóa sổ trong ngành sản xuất.

Việc thống nhất thị trường vốn cũng sẽ tạo ra tác động tương tự. Kết nối các lưới điện sẽ giúp nền kinh tế dễ chống chọi hơn với cú sốc năng lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh.

Giang