|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Có văn hóa và đạo đức kinh doanh là triết lý sống còn của doanh nghiệp

07:49 | 19/09/2018
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là chìa khóa mang lại thành công cho mỗi doanh nghiệp.
co van hoa va dao duc kinh doanh la triet ly song con cua doanh nghiep Những triết lý đầu tư của Warren Buffett từ 33 năm trước vẫn còn đúng nguyên tới ngày nay

Theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của doanh nghiệp.

Ứng xử văn hóa tạo nên thương hiệu

CEO Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Team - Up, cho rằng một thực tế đáng buồn hiện nay, đó là nhiều khi xã hội cứ đòi hỏi doanh nghiệp phải có đạo đức kinh doanh, nhưng môi trường kinh doanh chưa thực sự lành mạnh, không minh bạch, vẫn còn tồn tại những chi phí ngầm, bôi trơn… nên sẽ rất khó cho doanh nghiệp muốn có đạo đức kinh doanh cũng như văn hóa kinh doanh.

co van hoa va dao duc kinh doanh la triet ly song con cua doanh nghiep

Doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh của mình bằng văn hóa ứng xử văn minh, không chỉ đơn thuần là sản phẩm chất lượng tốt.

Theo bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Thời gian qua, đã có nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra trên thương trường cho thấy, vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp nếu không được coi trọng thì không ai khác chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.

Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà đã bất chấp, đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng xây dựng được thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể chỉ vì một chút lợi nhuận trước mắt...

“Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không còn chỉ đơn thuần là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hoá và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình”, bà Hằng khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng muốn có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa, trước hết pháp luật phải xử những doanh nghiệp vi phạm, có xử lý được các vi phạm thì mới hô hào, kêu gọi doanh nghiệp hành xử có văn hóa.

Theo ông PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chính là một phần của văn hóa kinh doanh, vì chính thương hiệu mới tạo nên giá trị bền vững của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất tiếc hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận của mình để tạo dựng được giá trị thương hiệu.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn đang coi trọng lợi nhuận của mình hơn là quyền lợi của khách hàng. Mỗi khi có khiếu kiện từ phía khách hàng về sản phẩm lỗi, doanh nghiệp vẫn tìm cách đổ lỗi cho khách hàng mà rất ít doanh nghiệp dám nhận trách nhiệm. Chỉ khi doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, gây dựng niềm tin và làm cho khách hàng hài lòng nhiều hơn là coi trọng lợi ích của mình, khi đó mới có thể nói đến đạo đức kinh doanh”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ.

CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam – ông Phạm Đức Bình lại đặc biệt coi trọng đến vai trò lãnh đạo của người đứng đầu doanh nghiệp. Theo ông Bình, vai trò của người lãnh đạo sẽ có tính chất quyết định đến cách hành xử của tất cả thành viên trong doanh nghiệp. Từ cung cách làm việc, thái độ lắng nghe, tôn trọng đồng nghiệp, tuân thủ giờ giấc… tất cả sẽ bắt đầu từ người lãnh đạo.

“Nhắc đến cụm từ “văn hóa doanh nghiệp” có vẻ cao sang, mĩ miều, nhưng thực tế nó được thể hiện từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Chỉ cần một hành động rất nhỏ trong việc để rác đúng nơi quy định, đó chính là thể hiện cách cư xử có văn hóa, chứ không phải là một điều gì quá cao siêu”, ông Bình chia sẻ.

Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khi đề cập đến văn hóa doanh nghiệp, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt câu hỏi, liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường trong các hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam được không? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp?

Trả lời cho những câu hỏi này, Nhà sử học lưu ý, để soi đường cho các doanh nghiệp, văn hoá sẽ phải đóng vai trò là ngọn đèn, ngọn đuốc. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nơi tối nhất lại chính là ở dưới chân đèn. Vì vậy, để văn hoá doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh thực sự trở thành yếu tố sống còn thì mỗi doanh nghiệp, doanh nhân thay vì dừng ở triết lý, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cụ thể hoá thành hành động.

Xem thêm

Nguyễn Quỳnh