Chủ tịch HPL Group Phạm Văn Lương: Kinh doanh cũng như vận hành một đội bóng
Không cho con tiền mua xe đạp, bố dạy con trai kinh doanh từ khi 6 tuổi |
Trời không phụ người có tâm
Ông Phạm Văn Lương quê ở Hải Dương, được sinh ra trong gia đình có truyền thống buôn bán.
Khi là sinh viên Trường đại học Thương mại và Học viện Hành chính quốc gia, ông đã đi làm thêm nhiều công việc. Những năm cuối của đại học, ông tự kinh doanh bằng việc mở cửa hàng điện nước tại đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Đến năm 2001, với suy nghĩ phải theo đuổi một ngành kinh doanh nào đó để tận dụng được những kiến thức đã học, ông làm hồ sơ và ứng tuyển vào làm việc tại một công ty nội thất.
“Với vị trí đảm nhiệm trong công ty là sales, tôi vừa bán hàng vừa tư vấn cho khách hàng về cách lựa chọn đến cách bố trí sản phẩm, thậm chí còn vẽ phác thảo để các kiến trúc sư dựng bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh… Dần dần, công việc này đem lại cho tôi đam mê về nghề nghiệp, rồi tôi vào nghề lúc nào không biết”, Chủ tịch HĐQT HPL Group nhớ lại.
Làm sales trong công ty nội thất được khoảng 3 năm thì đam mê khởi nghiệp trong ông nổi lên. Công ty TNHH Lương Thành Đông chuyên thi công nội thất văn phòng và vách ngăn được thành lập. Sau 2 năm vận hành, ông nhận ra rằng, công ty của ông làm thi công nhưng lại là công ty thương mại, chưa có nền tảng sản xuất, ký hợp đồng với khách rồi đặt hàng gia công tại nhiều nơi, nên nguồn lực rất hạn chế.
Hơn nữa, trong thi công luôn có vấn đề về công nợ, nếu không kiểm soát tốt thì rất khó để duy trì công ty. Do đó, ông đã nâng tầm công ty bằng cách nhập khẩu những sản phẩm mới mà Việt Nam chưa sản xuất được để phân phối ra thị trường.
Ông Phạm Văn Lương chia sẻ tại Hội thảo Kiến trúc xanh, nội thất sạch do HPL Group cùng 3 nhà sản xuất hàng đầu thế giới thực hiện. |
Trong quá trình tìm kiếm đối tác, ông đã biết đến Hãng Formica và trở thành đại lý tấm compact cho hãng này. Nhưng sau 2 năm thuận lợi, sản phẩm mà ông phân phối gặp sự cạnh tranh từ sản phẩm của Trung Quốc cũng có tính năng chịu nước, nhưng giá rẻ hơn. Ông quyết định chuyển sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm này từ Trung Quốc. Đến bây giờ, ông vẫn luôn tự hào rằng, tấm compact là điển hình thành công của mình và đây cũng là xuất phát điểm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu compact HPL.
Lúc đưa sản phẩm về Việt Nam, người tiêu dùng còn chưa biết đến vật liệu này, ông tự đặt tên sản phẩm là tấm compact HPL và phải đi gõ cửa các công ty để chào bán. “Đúng là trời không phụ người có tâm, trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, tấm compact HPL nhập khẩu về Việt Nam đã được nhiều người biến đến, chiếm thị phần lớn nhất và vẫn giữ vị trí số 1 từ chất lượng, mẫu mã đến lượng hàng xuất kho…”, ông Lương chia sẻ.
Đồng hành cùng đối tác Nhật
Ngoài tấm compact, ông Lương còn nhập khẩu tấm laminate từ Trung Quốc về phân phối tại thị trường Việt Nam. Nhưng nhận thấy chất lượng nguồn hàng Trung Quốc chưa thực sự tốt, ông đã chuyển sang tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà cung cấp Ấn Độ. Điều mà ông chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện sẽ làm việc với một tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản. Nhưng như một cơ duyên, chính người của Tập đoàn AICA (Nhật Bản) đã đến mời HPL Group làm đại lý phân phối tấm laminate của họ.
“Sau quá trình đánh giá, nghiên cứu và tìm hiểu, tôi nhận thấy chất lượng và giá trị sản phẩm của Nhật Bản thật sự tốt, nên quyết định thử sức với sản phẩm của Nhật, bắt đầu từ việc làm nhà phân phối tấm laminate của AICA”, lãnh đạo HPL Group nói và cho biết, ông luôn tâm niệm sẽ đồng hành cùng AICA để cung cấp những sản phẩm tấm trang trí gỗ bề mặt hàng công nghiệp chất lượng của Nhật Bản đến người tiêu dùng tại Việt Nam.
Làm việc với đối tác Nhật Bản, ông nhận ra rằng, không phải mọi thứ của người Nhật đều hoàn hảo. Người Nhật luôn đề cao chất lượng và uy tín kinh doanh, có thể nói là số 1 thế giới, nhưng họ có sự cứng nhắc, chưa linh hoạt. Đơn cử, những sản phẩm tấm Laminate đều được sản xuất tại Indonesia, nhưng muốn nhập khẩu về Việt Nam thì phải đặt hàng qua Nhật, sau đó bên Nhật mới chuyển đơn hàng qua nhà máy ở Indonesia, rồi mới xuất về Việt Nam. Quãng thời gian đó mất khoảng 2 tháng, nên những nhu cầu cấp bách của thị trường không được đáp ứng kịp thời.
“Với những đơn hàng cần giải quyết gấp, chúng tôi phải chuyển qua vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì phương tiện phổ biến là đường biển. Phần chi phí phát sinh chủ yếu do HPL Group và phía AICA chịu, chứ không chuyển cho khách hàng”, ông Lương chia sẻ.
Ông cho biết thêm, AICA đã tập trung đầu tư một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 4/2019. Như vậy, sẽ không còn trở ngại về khoảng cách địa lý, công nghệ của Nhật sẽ được mang sang Việt Nam, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội sử dụng những vật liệu đảm bảo đầy đủ tiêu chí an toàn của Nhật.
Nói về lý do HPL Group quyết định lựa chọn phân phối tấm laminate của Nhật Bản, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, AICA là tập đoàn có bề dày lịch sử tới 80 năm, doanh số toàn cầu là 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 70% thị phần nội thất ở Nhật. Giới chuyên môn nhận định, những tấm laminate AICA và tấm ốp tường chống cháy cerarl tiêu chuẩn Nhật Bản được sản xuất tại Việt Nam của Tập đoàn AICA có hàm lượng phát thải khí formaldehyde gần như bằng 0.
Với gần 18 năm làm việc trong ngành nội thất, ông Lương chỉ đau đáu một điều rằng, phải làm sao để người tiêu dùng hiểu đúng và hiểu rõ về gỗ công nghiệp, rằng bên cạnh những ưu điểm vượt trội, gỗ công nghiệp kém chất lượng chứa hàm lượng khí thải formaldehyde cao sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Để người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận gần hơn những sản phẩm đạt chuẩn, HPL Group đã tổ chức kho bãi trên khắp Việt Nam. Sẽ có những kho hàng tại địa phương để người dân được phục vụ tại chỗ, không phải tốn tiền vận chuyển từ quá xa.
Đồng thời, HPL Group xây dựng nhà máy gia công các sản phẩm có gắn với những vật liệu của Nhật. Nhà máy này đảm bảo cho các kiến trúc sư khi đưa những sản phẩm của Nhật vào bản thiết kế thì có thể yên tâm là sản phẩm mà người tiêu dùng nhận được sẽ hoàn hảo. Nhà máy đang được xây dựng tại Hà Nội và dự kiến năm sau sẽ đi vào hoạt động. Về mặt thiết kế, toàn bộ nhà máy được xây theo tiêu chuẩn 5S của Nhật. Ông Lương còn ấp ủ hy vọng xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, bởi chi phí nhân công ở Nhật rất cao, giới trẻ ở Nhật bây giờ cũng không theo nghề mộc nữa.
Người tý hon vẫn có thể chiến thắng được người khổng lồ
Là “nhạc trưởng” của một tập thể lớn gồm gần 10 công ty, với lịch làm việc dày đặc, ông Lương vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để tham gia đá bóng với anh em trong Công ty. Từ môn thể thao này, ông nhận ra nhiều triết lý rất hay và có thể áp dụng vào kinh doanh.
Đó là, một đội bóng không nên phụ thuộc vào một người; một vị trí phải luôn có ít nhất 2 người đảm nhiệm được; một doanh nghiệp mạnh hay một đội bóng mạnh phải đến từ tập thể; để phát triển bền vững thì phải có một lối đá, một chiến thuật mang đậm tính bản sắc mới có thể chiến thắng được ở một giải đấu, chứ không phải để giành chiến thắng ở một trận đấu…
Trong bóng đá cũng như trong kinh doanh, thành công sẽ không tự nhiên đến và cơ hội cũng sẽ không có hai lần. HPL Group từng bỏ lỡ một cơ hội thành công đáng tiếc. Lúc đó, có nhiều nhà cung cấp đến đặt vấn đề hợp tác phân phối dòng đá nhân tạo solid surface chuyên dùng để làm bàn ăn, nhưng ông Lương đã không đồng ý. Đến bây giờ, dòng đá solid surface đã trở nên rất phổ biến và nhiều đơn vị phân phối gặt hái được thành công.
“Trong bóng đá, người tý hon vẫn có thể chiến thắng được người khổng lồ. Trong kinh doanh cũng vậy, đang chiến thắng cũng đừng vội mừng mà chủ quan, vì ngày mai có thể sẽ thua một người tý hon. Hơn nữa, dù có thất bại cũng không nên bi quan, vì chỉ cần mọi thành viên đều quyết tâm và cố gắng thì chiến thắng sẽ đến vào hôm sau”, Chủ tịch HĐQT HPL Group chia sẻ.
Xem thêm |