CEO Sơn Quốc tế Mỹ: Kinh doanh cần một tâm hồn tử tế
Từng bị khách hàng quay lưng do sản phẩm kém chất lượng, nhưng doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần liên doanh Sơn Quốc tế Mỹ vẫn đứng dậy, làm lại và thành công. Bài học rút ra là kinh doanh cần một tâm hồn tử tế và đề cao chữ tín.
Từ cú sốc khởi nghiệp tới triết lý kinh doanh
“Khó khăn lớn nhất của tôi là thời điểm năm 2010, khi Công ty gặp khủng hoảng về chất lượng sản phẩm do lỗi của đối tác gia công. Số tiền phải đi đền bù cho các công trình của đại lý quá lớn với một công ty mới... ra ràng. Tôi mất gần như tất cả, toàn bộ khách hàng và thị trường”, Nguyễn Tiến Thắng bắt đầu câu chuyện kinh doanh của mình bằng một cú shock với tổn thất mà ông nói không thể tính hết.
Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường đại học Giao thông - Vận tải, chàng trai Nguyễn Tiến Thắng có cơ hội trở thành kỹ sư cơ khí ô tô như các bạn bè cùng lớp, nhưng chữ duyên và khiếu kinh doanh đã dẫn dắt Thắng đi theo con đường khác.
"Tôi thích kinh doanh, sớm mày mò kinh doanh các sản phẩm đơn giản. Thời sinh viên, tôi mở một tiệm hoa và sau 4 năm, tôi nhượng lại cửa hàng cho người học nghề của mình. Tôi chọn nghề hoa không phải vì khéo tay mà vì nghề hoa cần ít vốn, có thể tự mày mò làm được sản phẩm”, Thắng nhớ lại.
Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần liên doanh Sơn Quốc tế Mỹ, luôn tâm niệm người làm kinh doanh phải đề cao chữ tín và nuôi dưỡng tâm hồn tử tế.. |
Ra trường, Thắng bắt đầu bằng công việc bán hàng cho một showroom ô tô, sau đó là một hãng sơn nhỏ. Và cái duyên bắt nguồn từ đây, thôi thúc “máu” kinh doanh của chàng thanh niên Nguyễn Tiến Thắng.
Năm 2007, Nguyễn Tiến Thắng quyết định thành lập công ty sơn của mình. “Kinh nghiệm trong nghề sơn còn ít, nhưng tôi không muốn chậm hơn nữa”, ông Thắng nói.
Lúc đầu, Công ty chỉ là một đơn vị phân phối vật liệu chống thấm, sơn và thi công nội ngoại thất. Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng năm 2009, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đặt bước chân đầu tiên vào thị trường sơn bằng việc đi thuê một đơn vị ngoài sản xuất gia công sơn cho Sơn Quốc tế Mỹ.
“Tại thời điểm đó, tôi có quan điểm là doanh nghiệp kinh doanh mảng nào thì chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp đó. Chúng tôi làm thương mại tốt thì làm mảng sản xuất có thể đi thuê một đơn vị khác”, ông Thắng kể tiếp.
Thế nhưng, đây lại là nguyên nhân dẫn tới cú shock đầu tiên và cũng là lớn nhất đối với doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng tính đến giờ. Do đối tác gia công thay đổi nguyên liệu đầu vào, gây ra lỗi sản phẩm nên công ty mất toàn bộ khách hàng và thị trường.
“Bài học lớn nhất mà tôi rút ra từ thất bại đó là phải kiểm soát được chất lượng đầu vào của các nhà cung cấp. Nếu không kiểm soát được thì đừng làm!”, vị doanh nhân trẻ giãi bày.
Nhưng, biến cố này lại giúp Sơn Quốc tế Mỹ bước chân vào sản xuất nhanh hơn dự kiến tới 2 năm. “Năm 2011, Công ty phải bán một lô đất dự kiến sẽ đặt nhà máy để có tiền mở ngay một nhà máy trên mảnh đất đi thuê, nhằm đối phó lại với sự cố chất lượng kia”, ông Thắng kể lại.
Trời không phụ lòng người, những mẻ sơn đầu tiên mang thương hiệu USA Paint đã ra đời và bắt đầu được thị trường đón nhận.
Con người là yếu tố hàng đầu
Giá trị cốt lõi mà Sơn Quốc tế Mỹ đặt lên hàng đầu là “Hợp tâm lực - Sự tất thành”. Lý giải về câu nói này, doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng phân tích, con người là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Khi mọi người đem tài năng và thế mạnh của riêng mình gắn với chí hướng xây dựng doanh nghiệp thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh. Sự nghiệp lớn của doanh nghiệp thành công cũng là sự thành công của các thành viên trong doanh nghiệp.“Đó cũng là nền tảng thành công của Sơn Quốc tế Mỹ. Yếu tố con người đóng vai trò hàng đầu.
Chính sóng gió trong quá khứ đã cho tôi bài học này”, ông Nguyễn Tiến Thắng kể.Trong suốt quá trình “ăn, ngủ” cùng USA Paint, ngoài cú sốc gây tổn hại vô cùng lớn trên, Thắng còn gặp nhiều thử thách. Nào là các cổ đông rút vốn trong lúc công ty khó khăn nhất, hay người tài trong công ty nghỉ việc, tự mở doanh nghiệp riêng cạnh tranh lại. Song, Nguyễn Tiến Thắng gọi đây là may mắn vì đối diện sớm với khó khăn để có thời gian vượt qua và rút ra bài học.
“Không người kinh doanh nào không phải đối mặt với các thách thức tương tự, vấn đề là cách đối mặt. Tôi coi đó như chuyện “nước chảy, mây trôi” và điều quan trọng là ngày càng hiểu rõ hơn, bí quyết thành công của Sơn Quốc tế Mỹ sẽ không thể khác hơn hai chữ đạo đức”, ông Nguyễn Tiến Thắng bộc bạch.
Quan điểm của doanh nhân này là không ai hoàn hảo, nhưng cách mà chúng ta sống, kiếm tiền thể hiện rất rõ đạo đức trong mỗi con người.
“Chúng tôi quan niệm phải làm ra những sản phẩm chất lượng cao làm hài lòng người sử dụng sản phẩm; hệ thống đại lý yên tâm khi phân phối, từ đó đem lại thành quả lợi ích cho doanh nghiệp”, ông Thắng nói.
Đây cũng là điều doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng luôn chia sẻ với mọi người trong công ty. Là một công ty trẻ, việc nhân sự ra vào là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là người lao động giỏi, nhưng Nguyễn Tiến Thắng tự hào luôn có những cán bộ, nhân viên trung thành, có trình độ. “Phần lớn họ hơn tuổi tôi nhưng trên hết, họ hiểu những giá trị kinh tế và văn hóa mà công ty đem lại cho họ, bởi cả công ty coi nhau như một gia đình, mỗi thành viên đều nỗ lực cho Công ty mà cũng chính là nỗ lực cho sự phát triển riêng của bản thân mình”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng vì giữ được đội ngũ nhân sự chất lượng và có kinh nghiệm, nên việc nghiên cứu khoa học để cải tiến và tạo ra những sản phẩm mới, có tính năng nổi trội mà thị trường chưa có luôn được Nguyễn Tiến Thắng chú trọng. Các sản phẩm mang thương hiệu USA Paint đã tiên phong trong nghiên cứu khả năng chống nóng, giảm nhiệt cho sơn.
Sản phẩm đã tốt, người tiêu dùng đón nhận. Bằng chứng là công ty duy trì tốc độ tăng trưởng 40% trong 5 năm trở lại đây.
Nhưng, Nguyễn Tiến Thắng còn nhiều trăn trở với Sơn Quốc tế Mỹ, vì để vươn xa, vấn đề cần lưu tâm còn là chất lượng dịch vụ phải hoàn hảo. Vấn đề này cũng phụ thuộc vào yếu tố con người.
Chiến lược vươn xa của Sơn Quốc tế Mỹ chưa phải là thị trường xuất khẩu, mà vẫn là thị trường trong nước với chiến lược tập trung khác biệt hóa. “Điều làm tôi trăn trở nhất, đó là trên thị trường sơn hiện tại chưa tới 10 doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đã chiếm trên 65% thị phần, trong khi trên 600 thương hiệu Việt chỉ chiếm có 35% thị phần còn lại”, vị doanh nhân này nói.
Nguyễn Tiến Thắng đang cùng cộng sự giải tỏa sự trăn trở này bằng cách khẳng định uy tín của các doanh nghiệp sơn trong nước, để giành lại thị phần. Dự án nhà máy sơn thứ hai với công suất 30 triệu lít một năm mà doanh nhân Nguyễn Tiến Thắng đang ấp ủ thực hiện có thể là điểm khởi đầu cho việc thực hiện mong muốn này.