|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu thép HPG, HSG, NKG, … đi xuống sau khi giá quặng sắt giảm sâu

17:20 | 14/05/2021
Chia sẻ
Hàng loạt cổ phiếu thép như HPG, NKG, HSG, POM, … đóng cửa phiên cuối tuần 14/5 trong sắc đỏ sau khi giá quặng sắt trên thị trường quốc tế lao dốc. Ở trong nước, nhiều cơ quan Nhà nước cũng chỉ đạo các biện pháp để hạn chế đà tăng của thép thành phẩm.
Cổ phiếu thép HPG, HSG, NKG, … sụt giảm sau khi giá quặng sắt đi xuống - Ảnh 1.

Mỏ quặng sắt Kolomela ở Nam Phi. (Nguồn: Anglo American).

Cổ phiếu thép kém sắc

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 14/5 diễn biến tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên, đóng cửa tăng 4,37 điểm, tương đương 0,35%. Chỉ số bluechip VN-30 tăng gần 10 điểm, tức 0,72%.

Trái với sự khả quan chung của thị trường, các cổ phiếu thép chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, HPG của Tập đoàn HPG là một trong 8 cổ phiếu thuộc VN30 đóng cửa dưới tham chiếu, giảm 0,2% xuống còn 61.400 đồng/cp.

Dường như các doanh nghiệp càng nhỏ thì mức giảm của cổ phiếu trong phiên 14/5 càng lớn. HSG của Tập đoàn Hoa Sen mất 1,6%, NKG của Nam Kim và POM của Pomina giảm lần lượt 3,9% và 3,8%, VGS của Ống thép Việt Đức và TLH của Thép Tiến Lên sụt tương ứng 4,5% và 5,2%.

Cổ phiếu thép HPG, HSG, NKG, … sụt giảm sau khi giá quặng sắt đi xuống - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu thép đóng cửa phiên 14/5/2021 trong sắc đỏ. (Nguồn: VNDirect).

Cổ phiếu thép trong nước đi xuống sau thông tin giá quặng sắt – nguyên liệu thiết yếu để sản xuất thép bằng lò cao – sụt giảm mạnh.

Cụ thể, theo thông tin của Sunsirs.com, giá quặng 62% Fe giao ngay tại Trung Quốc ngày 14/5 giảm 9,6% so với phiên trước, còn 1.595 nhân dân tệ/tấn (tương đương 245 USD/tấn). Trang Mining.com cho biết giá quặng sắt giao tháng 9 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng giảm 7,5%.

Tuy giảm trong hôm nay nhưng giá quặng sắt hiện vẫn cao hơn tới 43% so với ba tháng trước.

Giá nguyên liệu sản xuất tăng cao đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Tập đoàn Hòa Phát cho biết bình thường doanh nghiệp này mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý nhưng hiện tại đang phải mua nguyên liệu cho hết cả quý IV.

"Dù rủi ro cao nhưng phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường", đại diện Hòa Phát cho biết.

"Rủi ro" mà Hòa Phát nhắc tới chính là việc giá quặng giảm, khiến cho công ty phải ôm khối nguyên liệu đắt đỏ hơn hơn so với thị trường, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Cổ phiếu thép HPG, HSG, NKG, … sụt giảm sau khi giá quặng sắt đi xuống - Ảnh 3.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc quay đầu giảm trong phiên 14/5/2021.

Các doanh nghiệp hạ nguồn như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hay Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng tăng cường tích lũy hàng tồn kho nguyên liệu là thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý I để đề phòng kịch bản giá tăng.  

Giá HRC giao ngay tại Trung Quốc ngày 13/5 chỉ giảm 0,22% so với hôm trước, giá ngày 14/5 đi ngang. 

Trong bối cảnh giá quặng đã giảm, xu hướng giá HRC trong thời gian tới sẽ rất đáng chú ý vì có khả năng ảnh hưởng tới cả doanh thu của Hòa Phát và chi phí sản xuất của các công ty tôn mạ, ống thép như Hoa Sen, Nam Kim, Việt Đức, …

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 4 tháng đầu năm nay, Hoa Sen sản xuất cũng như tiêu thụ xấp xỉ 600.000 tấn tôn mạ, dẫn đầu về thị phần.

Cổ phiếu thép HPG, HSG, NKG, … sụt giảm sau khi giá quặng sắt đi xuống - Ảnh 5.

Bộ ngành vào cuộc kiểm soát giá thép

Việc giá thép tăng nóng trong những tháng qua đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận cũng như các cơ quan liên quan.

Giữa tháng 4, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp xây dựng đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản vì tình hình giá thép tăng phi mã trong 4 tháng đầu năm. 

VACC đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến.

Đầu tháng 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Bộ Công thương sau đó đã sớm có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp sản xuất thép lớn gồm Tập đoàn Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh, Tổng Công ty Thép Việt Nam, CTCP Thép Nghi Sơn về việc thúc đẩy sản xuất thép thành phẩm cung ứng ra thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, tránh đầu cơ găm hàng, ...

Ngày 10/5, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện loạt giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Thực tế trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thép đã gia tăng sản lượng tiêu thụ thêm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng phôi thép của Tập đoàn Hòa Phát tăng 60%, của Formosa Hà Tĩnh tăng 18%, ...

Sau phiên giảm điểm 14/5, cổ phiếu HPG vẫn đang cao hơn 45% so với đầu năm, HSG đang cao hơn 55%, NKG 91%.

Song Ngọc - Đức Quyền