|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Nhu cầu thép trong nước dự tính tăng 3% trong năm 2021

08:09 | 14/05/2021
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3% nhờ các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế phục hồi

Theo Bộ Công Thương năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. 

Ở thị trường trong nước, trong năm 2021, nhóm chuyên gia cho rằng ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục, việc Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Nhu cầu sản phẩm thép các loại năm 2021 dự tính khoảng 27 triệu tấn. Trong đó, mảng thép xây dựng, sản lượng ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt ở mức 11,2 triệu tấn (tăng trưởng 9%), 2,5 triệu tấn (tăng trưởng 8%) và 4,4 triệu tấn (tăng trưởng 8%).

Đối với mảng thép cuộn cán nóng (HRC) và thép lá cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 sản lượng sẽ đạt 10,7 triệu tấn, tăng trưởng tới 30% so với năm 2020. 

Về nguồn cung, trong năm 2020, một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn…do đó năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) sẽ đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. 

Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn. Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Đồng thời, trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc…vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. 

Như vậy, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021. Trước đó, năm 2020, Việt Nam thâm hụt 6,4 tỷ USD.

Rủ ro Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu thép

Theo quan điểm của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), ngành thép toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là sản lượng xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, đồng nghĩa rủi ro cũng tăng theo nếu nước này thay đổi chính sách nhập khẩu phôi thép và các sản phẩm thép đến từ Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh làn sóng phòng vệ thương mại từ Mỹ và EU đối với việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc vào các thị trường trên sẽ tiếp tục gây áp lực cho thị trường ASEAN và Việt Nam.

Việt Nam có vị trí gần Trung Quốc nên áp lực từ cạnh tranh với các sản phẩm thép xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc có thách thức hết sức lớn, các sản phẩm xuất khẩu thép Việt Nam sẽ phải đối diện với bảo hộ sản phẩm thép của các quốc gia trên toàn cầu nên việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.


H.Mĩ