|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 14/6: PC1, ACG, AAA

18:16 | 13/06/2022
Chia sẻ
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: PC1 (Xây lắp điện 1), ACG (Gỗ An Cường) và AAA (Nhựa An Phát Xanh).

PC1 - Điện gió thúc đẩy tăng trưởng 2022

CTCP Chứng khoán FPT (FTS)

Phân tích:

Cho cả năm 2022, PC1 đặt kế hoạch 11.003 tỷ doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và 657 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 14%. Chứng khoán FPT dự phóng PC1 sẽ hoàn thành tương ứng 86,6% và 101,6% kế hoạch với kỳ vọng lĩnh vực năng lượng tiếp tục hoạt động ổn định và PC1 có thể ghi nhận một phần các dự án bất động sản trong năm.

Bằng phương pháp tổng của các thành phần, FTS xác định mức giá mục tiêu của PC1 là 43.700 đồng/cp, tăng 10,6% so với giá đóng cửa ngày 13/6 và khuyến nghị theo dõi. Nhà đầu tư có thể mua vào khi cổ phiếu PC1 ở mức giá 36.400 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ sinh lời kỳ vọng 20% với các luận điểm chính:

(1) Lĩnh vực năng lượng dự phóng đạt 1.828 tỷ doanh thu, tăng 97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng thủy điện đạt 842 tỷ doanh thu, tăng 19% nhờ tình hình thủy văn cải thiện và mảng điện gió đạt 985 tỷ doanh thu, tăng 354% so với cùng kỳ nhờ ba nhà máy điện gió đi vào hoạt động cuối 2021.

(2) Lĩnh vực bất động sản dự phóng đóng góp 746 tỷ doanh thu, tăng 603% so với cùng kỳ nhờ ghi nhận hai dự án bất động sản nhà ở thấp tầng tại Gia Lâm và Định Công.

(3) Lĩnh vực xây lắp điện có triển vọng dài hạn cải thiện nhờ định hướng tăng cường đầu tư điện gió và lưới điện được đặt ra trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2021 -  2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(4) Lĩnh vực khai thác Niken – Đồng dự phóng đạt công suất tối đa vào năm 2025 với doanh thu 937 tỷ và lợi nhuận sau thuế 229 tỷ, thấp hơn khoảng 40 – 50% so với dự kiến của PC1 và đóng góp khoảng 6,2% giá mục tiêu trên của cổ phiếu PC1.

ACG - Xuất khẩu có nhiều dư địa để tăng trưởng

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Phân tích:

ACG có kế hoạch tăng doanh thu xuất khẩu hàng năm từ 30 triệu USD hiện tại lên 50 triệu USD trong trung hạn. Bên cạnh việc xuất khẩu cho khách hàng, ACG có kế hoạch hợp tác với các đối tác nước ngoài (bao gồm Sumitomo - cổ đông chiến lược) để bán lẻ đồ nội thất cao cấp tại Mỹ.

ACG chưa có kế hoạch tham gia vào thị trường Asean, nơi có các đối thủ mạnh. Mặc dù biên lợi nhuận xuất khẩu thấp (biên lợi nhuận gộp quý I/2022 là 7,7% so với mức 33,5% của doanh thu trong nước), biên lợi nhuận của mảng kinh doanh này có thể được cải thiện đáng kể trong tương lai dựa trên lợi thế kinh tế về quy mô nhờ số lượng SKU thấp hơn so với các sản phẩm trong nước, theo ban lãnh đạo.

Ngoài ra, mảng xuất khẩu có vòng quay tài sản cao hơn do không có những đặc điểm như thời gian thiết kế theo không gian nhà khách hàng, thời gian xây dựng và bàn giao của mảng kinh doanh trong nước.

AAA - KCN An Phát 1 sẽ thúc đẩy doanh thu từ mảng khu công nghiệp

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Phân tích:

Khu công nghiệp An Phát 1 sẽ thúc đẩy doanh thu từ mảng khu công nghiệp bắt đầu từ năm 2022. Khu công nghiệp An Phát 1 có diện tích giai đoạn đầu là 180 ha (73% có thể cho thuê), thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

AAA dự kiến sẽ đưa vào vận hành khu công nghiệp này vào quý III/2022. Trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia – đặc biệt là khi đất khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương không còn nhiều, việc đưa An Phát 1 vào vận hành trong năm 2022 sẽ đem lại những lợi thế nhất định cho AAA, theo quan điểm của Chứng khoán Bản Việt.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.