|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng gần 190 tỷ đồng trên HOSE phiên VN-Index rơi gần 57 điểm, nhưng chưa ngừng gom BSR trên thị trường UPCoM

16:00 | 13/06/2022
Chia sẻ
Giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đạm khi họ đảo chiều bán ròng sau chuỗi gom ròng 5 phiên liên tiếp trên HOSE, với quy mô rút ròng đạt gần 186 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 14,6 triệu đơn vị.

Thị trường đỏ lửa về cuối phiên khi áp lực bán lan rộng tại tất cả nhóm cổ phiếu. VN-Index dừng chân ở mốc 1.227,04, giảm 57,04 điểm tương đương 4,44%. Sắc đỏ bao trùm thị trường ngay từ đầu phiên với gap trên 30 điểm và không có sự hồi phục trong phiên, việc thanh khoản tăng cao đạt trên 18.500 tỷ đồng cho thấy đây là trạng thái khá tiêu cực.

Giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đạm khi họ đảo chiều bán ròng sau chuỗi gom ròng 5 phiên liên tiếp trên HOSE, với quy mô rút ròng đạt gần 186 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 14,6 triệu đơn vị. Dòng tiền tập trung chốt lời ở ba nhóm chính là quỹ đầu tư, sản xuất thực phẩm, bất động sản.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Về giá trị cụ thể, NĐT ngoại bán ròng chủ yếu chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị hơn 245,2 tỷ đồng. Lực bán mạnh mẽ khiến chứng chỉ quỹ đánh mất gần 5,8% giá trị, đóng cửa phiên hôm nay tại mốc 27.150 đồng/đơn vị. Một chứng chỉ quỹ khác là E1VFVN30 cũng bị rút ròng 25 tỷ đồng.

Tại thị trường cố phiếu, NĐT nước ngoài cũng rút ròng 41,5 tỷ đồng khỏi mã DGC. Cùng chiều, các đại diện nhóm tài chính gồm chứng khoán, ngân hàng cũng thuộc Top bán ròng là SSI (37 tỷ đồng), VCB (33,2 tỷ đồng), CTG (29,9 tỷ đồng)

Đến từ 'họ" Vingroup, VIC và VHM cũng bị xả ròng với giá trị lần lượt là 29,9 tỷ và 24,4 tỷ đồng. Có thể thấy áp lực bán tại cổ phiếu VIC đã hạ nhiệt đáng kể so với phiên trước, dù vậy giá cổ phiếu vẫn chưa thể đạt đến ngưỡng cân bằng cung cầu khi mà lực bán vẫn đang chiếm ưu thế.

Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng có dấu hiệu rút ròng khỏi các cổ phiếu của ngành thực phẩm & đồ uống như VNM (27,3 tỷ đồng) và KDC (26 tỷ đồng).

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua vào, giao dịch có phần ảm đạm hơn khi không có mã nào được mua ròng với giá trị trên trăm tỷ đồng trong phiên.

Trụ GAS được dòng tiền ngoại gom ròng nhiều nhất với 70,6 tỷ đồng. Nối tiếp, giao dịch tương tự cũng được ghi nhận tại một số cổ phiếu như GMD (56,9 tỷ đồng), DCM (51,9 tỷ đồng), MSN (47,3 tỷ đồng), MWG (31 tỷ đồng).

Cùng chiều, một số cái tên cũng ghi nhận lực cầu từ phía các nhà đầu tư ngoại còn có VGC, DXG, DPM, CTD, HDB với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 5,88 tỷ đồng, tương đương khối lượng 179.852 đơn vị cổ phiếu.

Cụ thể, các nhà đầu tư ngoại có động thái mua ròng 5,5 tỷ đồng cổ phiếu HUT của Tasco bất chấp diễn biến giảm sàn của cổ phiếu. Kế tiếp, nhóm này cũng rót ròng trên 1 tỷ đồng vào các mã CEO (2,8 tỷ đồng), PVI (2,6 tỷ đồng) và TNG (1,7 tỷ đồng), trước khi mua gom nhẹ hơn INN, HLD, IDJ, IVS,…

Chiều ngược lại, cổ phiếu IDC của IDICO dẫn đầu với giá trị bán ròng 2,9 tỷ đồng. Nối tiếp là các mã SHS (2,2 tỷ đồng), PLC (1,4 tỷ đồng), DP3 (851 triệu đồng), PVS (475 triệu đồng),…

Tương tự, trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp đà mua ròng với quy mô 100,22 tỷ đồng, với gần 3,4 triệu đơn vị cổ phiếu được gom ròng.

Các nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn với giá trị 96 tỷ đồng. Theo sau, các mã thu hút lực cầu trong phiên còn có QNS (1,4 tỷ đồng), CLX (1,2 tỷ đồng), VTP (912 triệu đồng), ACV (748 triệu đồng),…

Hoạt động rút vốn trên thị trường UPCoM không có nhiều điểm nhấn khi không mã nào bị bán ròng trên 1 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, cổ phiếu CSI của Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam là mã bị bán ròng nhiều nhất với 764 triệu đồng. Nhóm này theo sau xả ròng 282 triệu đồng cổ phiếu VOC, trước khi bán ròng VOC, MFS, HPP, MCH,… với giá trị thấp hơn.

Thu Thảo