|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quỹ ngoại dự báo VN-Index lên 1.700 điểm chốt lời CMG trên đỉnh lịch sử

10:08 | 06/06/2024
Chia sẻ
Từ 17/5 đến 30/5, quỹ Phần Lan đã bán ròng tổng cộng là 2,5 triệu cp CMG, hạ sở hữu xuống dưới 6% vốn. Trước đó, quỹ cũng đã bán 2 triệu cp AAA, không còn là cổ đông lớn.

Tại CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG), Pyn Elite Fund báo cáo bán 500.000 cp CMG vào ngày 30/5. Quỹ ngoại giảm sở hữu từ gần 11,5 triệu cp (6,03% vốn) xuống gần 11 triệu cp (5,77% vốn). Chiếu theo thị giá phiên tương ứng, lượng cổ phiếu trên trị giá khoảng 30 tỷ đồng.

Trước đó, cổ đông lớn từng báo cáo bán 500.000 cp vào ngày 17/5, hạ sở hữu xuống 12,9 triệu cp, tương ứng với 6,81% vốn. Như vậy, từ 17/5 đến 30/5, số lượng bán ròng tổng cộng là 2,5 triệu cp. 

Lần gần nhất quỹ Phần Lan báo cáo mua vào cổ phiếu là ngày 2/11/2023, khi gom 200.000 cp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,12% vốn. Thời điểm này thị giá CMG ghi nhận quanh 38.000 đồng. Tức đến nay (5/6), cổ phiếu đã tăng giá khoảng 77%.

Thời gian gần đây, nhóm cổ đông nội bộ và bên liên quan ghi nhận giao dịch trái chiều. Ông Nguyễn Minh Tuệ, Thành viên BKS và ông Đặng Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị đã mua lần lượt 7.500 cp và 23.600 cp trong ngày 20/5 và 21/5.

Ngược lại Công ty TNHH TM & Dịch vụ DTSC, đơn vị liên quan ông Nguyễn Minh Đức - Thành viên Hội đồng quản trị, đã bán 33.874 cp từ ngày 20/5 đến 3/6, hạ sở hữu xuống 105.000 cp (0,05% vốn). Đáng chú ý, cổ đông này chỉ đăng ký giao dịch 28.874 cp, tức bán nhiều hơn 5.000 cp so với dự kiến.

DTSC cho biết để đảm bảo đạt được giá bán như mong muốn, công vị đã chia nhỏ khối lượng cho nhiều lệnh giao dịch và thực hiện trong nhiều ngày. Cụ thể, ngày 3/6, do đặt nhiều lần lệnh bán 5.000 cp nên phía công ty đã có sự nhầm lẫn và đã đặt thừa 1 lệnh bán.

Khi phát hiện sai sót thì khối lượng này đã được khớp lệnh trên sàn. Ngay sau đó, DTSC đã thông báo ngay cho Công nghệ CMC và thực hiện soạn thảo, gửi văn bản giải trình đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Từ giữa tháng 5 đến nay (5/6), cổ phiếu CMG được giao dịch trên vùng 60.000 đồng/cp, cao lịch sử đối với mã này. CMG kết phiên 5/6 tại 67.200 đồng/cp, tăng 64% qua 3 tháng gần nhất, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 1,2 triệu cp. Với đà tăng này, vốn hóa doanh nghiệp đã nâng lên thành 12.770 tỷ đồng. 

Diễn biến của cổ phiếu CMG đặt trong bối cảnh tích cực chung của nhóm công nghệ - viễn thông. Các cổ phiếu FPT, FOX, CTR, VGI, ELC... đều tăng đáng kể từ đầu năm. 

Ngoài CMG, Pyn Elite Fund cũng vừa bán ròng 2 triệu cp AAA trong 3 tháng gần đây, không còn là cổ đông lớn. Cổ phiếu của Nhựa An Phát Xanh đã tăng 24% kể từ đầu năm, kết phiên 5/6 tại 11.750 đồng/cp.

Về quan điểm đầu tư, tại thư gửi nhà đầu tư cuối tháng 5, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund đánh giá chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi lên từ đáy cuối năm 2022 đến nay. Quỹ đầu tư kỳ vọng về kết quả kinh doanh phục hồi tích cực và rõ ràng hơn của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024.

Mục tiêu VN-Index được nhiều công ty chứng khoán dự phóng quanh vùng 1.400 - 1.500 điểm. Tuy vậy, ông Petri Deryng cho rằng mức điểm 1.700 thậm chí có thể đạt được vào cuối năm 2024.

Xuân Nghĩa