|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng

18:46 | 04/08/2019
Chia sẻ
Trong tuần (29/7 - 2/8), giá trị vốn hóa 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng 1.351 tỉ đồng, đạt 835.256 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức 177,5 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị là 3.346 tỉ đồng tỉ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp trí tài chính)

Cổ phiếu VietBank lên sàn UPCoM, vốn hóa các ngân hàng tăng 1.351 tỉ đồng

Kết thúc tuần ngày giao dịch vừa qua (29/7 - 2/8), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt hơn 835.256 tỉ đồng, tăng 1.351 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 26/7), tương ứng với tỉ lệ tăng 0,2%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 2.

Diễn biến vốn hóa cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

Trong tuần, cổ phiếu VBB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã bắt đầu giao dịch trên UPCoM với số lượng chứng khoán đăng kí giao dịch là hơn 419 triệu cổ phiếu. Đóng cửa ngày giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu VBB dừng ở mức 17.900 đồng/cp đưa giá trị vốn hóa VietBank đạt 7.500 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 3.

Vốn hóa các ngân hàng tại ngày 2/8 (Nguồn: PV tổng hợp)

VPB tăng giá mạnh nhất, SHB đứng đầu về khối lượng giao dịch

Trong tuần qua, chỉ có 4/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, cổ phiếu VPB tăng mạnh nhất (1,6%), các cổ phiếu có mức tăng mạnh tiếp sau là KLB tăng 1%, VCB tăng 0,8%, EIB tăng 0,6%.

11/18 cổ phiếu giảm giá trong đó STB giảm mạnh nhất 4,9%. Tuần trước, STB cũng là cổ phiếu giảm mạnh nhất ngành ngân hàng với mức giảm 4,7%.

Xếp tiếp sau STB là ACB giảm 4,7%; SHB giảm 4,3%, CTG giảm 4%, TPB giảm 3,5%, NVB giảm 2,5%, MBB giảm 1,8%, VIB giảm 1,6%, LPB giảm 1,2%, TCB giảm 1,2% và BAB giảm 0,5%.

Trong khi, BID và HDB là 2 cổ phiếu đứng giá trong tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

Xét về thanh khoản, tuần qua có tổng cộng gần 177,5 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị 3.346 tỉ đồng, giảm 0,3% về khối lượng và 6,1% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, SHB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 26,7 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị là hơn 177 tỉ đồng. Xếp tiếp sau là STB với gần 20,6 triệu cp, MBB (20,3 triệu cp), TCB (17,3 triệu cp) và VPB (16,5 triệu cp).

Ở phía ngược lại, KLB và VBB là hai cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất lần lượt ở mức 2.500 cp và 895.000 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 5.

Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: PV tổng hợp)

Trong gần 177,5 triệu cp ngân hàng được giao dịch tuần qua có 120,8 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch 2.367 tỉ đồng; 56,6 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 979 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm STB với hơn 20,2 triệu cp; SHB với 18,7 triệu cp, MBB với 18,1 triệu cp, CTG với 13,5 triệu cp, TCB gần 9,9 triệu cp và VPB với 7,9 triệu cp.

Trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận của TPB tiếp tục diễn biến "nhộn nhịp" với khối lượng đạt 10,2 triệu cp và đây cũng là mã ngân hàng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất trong tuần qua.

Những mã có lượng giao dịch thỏa thuận lớn khác gồm NVB (8,5 triệu cp), VPB (8,5 triệu cp), SHB (7,9 triệu cp) và TCB (7,4 triệu cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: PV tổng hợp)

Khối lượng giao dịch TPB tăng đột biến

Tuần qua có 8/17 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng gồm TPB, VPB, BAB, NVB, HDB, TCB, VIB và STB. Trong đó, TPB tăng mạnh nhất với hơn 11,3 triệu cp được giao dịch, gấp hơn 7 lần lượng giao dịch trong tuần trước.

VPB cũng là cổ phiếu có lượng giao dịch đột biến trong tuần qua với hơn 16,5 triệu cp được trao tay, tăng 74% so với lượng giao dịch tuần trước.

Các cổ phiếu cũng có lượng giao dịch tăng mạnh trong tuần gồm BAB (tăng 54%), NVB (tăng 52%), HDB (tăng 51%), TCB (tăng 33,5%) …

Ở phía ngược lại, EIB là mã có lượng giao dịch giảm mạnh nhất với khoảng chỉ 4,4 triệu cp được trao tay, giảm 70%. Ngoài ra LPB, KLB và ACB là những mã thanh khoản giảm mạnh trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu tăng giá, TPB đột biến khối lượng - Ảnh 7.

Thay đổi khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (đơn vị: cổ phiếu. Nguồn: PV tổng hợp)

Các sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Fed lần đầu cắt giảm lãi suất sau hơn một thập kỉ

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm %.

Theo đó, Fed quyết định cắt giảm lãi suất quỹ dự trữ liên bang (FFR) 0,25 điểm % từ mức mục tiêu 2,25 - 2,5% xuống 2 - 2,25%. Đây là lần đầu tiên Fed cắt giảm lãi suất chuẩn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008.

Bên cạnh quyết định hạ lãi suất, Fed cũng công bố kế hoạch chấm dứt việc thu hẹp danh mục tài sản trị giá 3,8 nghìn tỉ USD kể từ ngày 1/8, sớm hơn hai tháng so với dự kiến trước đó.

Hàng loạt ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 1/8

Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, ACB, MBBank và Techcombank sẽ đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ ngày 1/8/2019 với mức giảm bình quân là 0,5%/năm.

Lợi nhuận ròng BIDV giảm 4,5%, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt lên gần 10.500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm

Kết thúc nửa đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế BIDV chỉ đạt 3.826 tỉ đồng, giảm 4,5%. Tổng tài sản BIDV vượt 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,7% đạt 1,065 triệu tỉ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,1% ở mức gần 1,06 triệu tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, tổng giá trị các khoản nợ xấu nội bảng của BIDV là 21.121 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 3.321 tỉ đồng (tương đương 46%) lên 10.492 tỉ đồng và chiếm tới gần 50% tổng nợ xấu của BIDV.

VietinBank lãi sau thuế hơn 4.300 tỉ đồng, còn hơn 13.000 tỉ đồng nợ xấu nội bảng

Luỹ kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế VietinBank đạt 4.307 tỉ đồng, tăng 1,3%. Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của VietinBank tăng nhẹ 1,7% so với cuối năm trước đạt 1.183.796 tỉ đồng. 

Cho vay khách hàng tăng 2,4% với 885.535 tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng cũng tăng ở mức tương đương 2,5% với 846.860 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ về 1,47%.

VPBank, SHB và Eximbank công bố báo cáo tài chính bán niên

Tuần qua, VPBank đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 với lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.471 tỉ đồng, giảm 0,9% cùng kì năm trước.

Kết thúc 2 quí vừa qua, lợi nhuận trước thuế SHB đạt 1.560 tỉ đồng, tăng trưởng gần 53% so với cùng kì và đạt gần 51% kế hoạch năm. Riêng lợi nhuận trước thuế quí II/2019 đạt 817 tỉ đồng, tăng 57%.

Hết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế Eximbank đạt 521 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kì 2018. Bên cạnh đó, tăng trưởng cho vay của ngân hàng này chỉ tăng nhẹ 1,9%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.


Quốc Thụy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.