|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID quán quân tăng giá, MBB dẫn đầu thanh khoản

08:51 | 28/07/2019
Chia sẻ
Trong tuần (22/7 - 26/7), chỉ có 5 trong số 17 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng giá với giá trị vốn hóa đạt hơn 834.175 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức 178 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị là 3.564 tỉ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: QH)

Vốn hóa thị trường các ngân hàng giảm 6.721 tỉ đồng

Kết thúc tuần ngày giao dịch vừa qua (22 - 26/7), giá trị vốn hóa của 17 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt hơn 834.175 tỉ đồng, giảm 6.721 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 19/7), tương ứng với tỉ lệ giảm 0,8%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với 291.147 tỉ đồng, tăng 1.854 tỉ đồng. Xếp sau Vietcombank về giá trị vốn hóa lần lượt là BIDV với 122.390 tỉ đồng (tăng 3.077 tỉ đồng); VietinBank với 78.936 tỉ đồng (giảm 2.420 tỉ đồng)….

Kienlongbank và NCB đang là hai ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 3.237 tỉ đồng và 2.408 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch - Ảnh 2.

Diễn biến vốn hóa cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch

Trong tuần qua, chỉ có 5/17 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, cổ phiếu BID tăng mạnh nhất (2,6%), các cổ phiếu có mức tăng mạnh tiếp sau là LPB tăng 2,5%, VIB tăng 1,6%, MBB và TPB cùng tăng 0,7%.

11/17 cổ phiếu giảm giá gồm STB giảm 4,7%; EIB giảm 3,6%; VPB giảm 3,4%, CTG giảm 3%, ACB giảm 2,5%, KLB giảm 2%, TCB giảm 1,9%, HDB giảm 1,3%, NVB giảm 1,2%, BAB giảm 1% và VCB giảm 0,6%. Trong khi, SHB là cổ phiếu duy nhất đứng giá trong tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

Xét về thanh khoản, tuần qua có tổng cộng hơn 178 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị 3.564 tỉ đồng, giảm 3,7% về khối lượng và 6,1% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, MBB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với gần 28,3 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị là hơn 636 tỉ đồng. Xếp tiếp sau là SHB với gần 28,1 triệu cp, STB (18,5 triệu cp), CTG (17,3 triệu cp) và ACB (11 triệu cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: PV tổng hợp)

Trong hơn 178 triệu cp ngân hàng được giao dịch tuần qua có 135,3 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch 2.866 tỉ đồng; 42,7 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 698 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với hơn 28 triệu cp; SHB với 18,9 triệu cp, STB với 17,7 triệu cp, CTG với 14,9 triệu cp, ACB gần 11 triệu cp và BID với 10,4 triệu cp.

Trong tuần qua, giao dịch thỏa thuận của EIB bắt đầu "nhộn nhịp" trở lại với khối lượng đạt 14,3 triệu cp và đây cũng là mã ngân hàng có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất trong tuần qua.

Những mã có lượng giao dịch thỏa thuận lớn khác gồm SHB (9,2 triệu cp), VPB (4,1 triệu cp), NCB (4,7 triệu cp), TCB (3,5 triệu cp) và CTG (2,4 triệu cp).

EIB, BAB khối lượng giao dịch tăng đột biến

Tuần qua có 8/17 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết có khối lượng giao dịch tăng gồm EIB, BAB, SHB, ACB, LPB, BID, MBB và KLB. Trong đó, EIB tăng mạnh nhất với hơn 14,8 triệu cp được giao dịch, gấp gần 7 lần lượng giao dịch trong tuần trước.

BAB cũng là cổ phiếu có lượng giao dịch đột biến trong tuần qua với hơn 2,2 triệu cp được trao tay, gấp hơn 2 lần lượng giao dịch tuần trước.

Các cổ phiếu cũng có lượng giao dịch tăng mạnh trong tuần gồm SHB (tăng 22,4%), ACB (tăng 21,4%), LPB (tăng 21,1), BID (tăng 16,5%) và MBB (tăng 9,3%)…

Ở phía ngược lại, TPB là mã có lượng giao dịch giảm mạnh nhất với khoảng chỉ 2,4 triệu cp được trao tay, giảm 72%. Ngoài ra VIB, VPB và TCB là những mã thanh khoản giảm mạnh trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch - Ảnh 5.

Thay đổi khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (đơn vị: cổ phiếu. Nguồn: PV tổng hợp)

Các sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

BIDV chốt phát hành hơn 603,3 triệu cp cho KEB Hana Bank trị giá 20.295 tỉ đồng

BIDV cho biết sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, ứng với 15% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỉ đồng, ước tính mỗi cổ phần có giá 33.640 đồng.

Sau khi phát hành cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 6.033 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại ngân hàng này sẽ giảm từ 95,28% xuống còn 80,99%.

Vietcombank có thể nhận được khoản thanh toán lần đầu 400 triệu USD từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền

Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Tập đoàn bảo hiểm Prudential đang cạnh tranh với Tập đoàn FWD để trở thành đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền của Vietcombank.

Dự kiến Vietcombank sẽ nhận được khoản thanh toán lần đầu khoảng 400 triệu USD và có thể nhận được nhiều hơn tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh.

Quĩ VFM thoái sạch vốn khỏi ACB

Quỹ Đầu tư VFM do ông Dominic làm Chủ tịch đã bán toàn bộ 692.967 cổ phiếu ACB sở hữu trong thời gian từ ngày 1/7 - 18/7. Ước tính, VFM có thể thu về khoảng 20 tỉ đồng từ giao dịch này.

ACB, MBBank, Sacombank công bố báo cáo tài chính bán niên

Trong tuần qua, ACB đã công bố báo cáo tài chính bán niên với lợi nhuận trước thuế đạt 3.622 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì năm trước, đạt gần 50% kế hoạch năm. Tính đến 30/6, tổng tài sản ngân hàng đạt 350.938 tỉ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng đạt 250.704 tỉ đồng, tăng 8,8%.

Hết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế MBBank đạt 4.875 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kì năm trước, đạt 49,2% kế hoạch lợi nhuận. Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của MBBank đạt 402.264 tỉ đồng, tăng 11%, trong đó cho vay khách hàng đạt gần 239.000 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm trước. 

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Sacombank đạt 1.461 tỉ đồng, tăng gần 47% so với cùng kì năm trước, bằng 55% kế hoạch cả năm. Tính đến 30/6, tổng tài sản ngân hàng đạt 439.170 tỉ đồng, tăng 8,2%, trong đó cho vay khách hàng đạt 279.420 tỉ đồng, tăng 8,9%.

Quốc Thụy