|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB tăng giá nhiều nhất, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch

06:57 | 21/07/2019
Chia sẻ
Trong tuần (15/7 - 19/7), có 13 trong số 17 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng giá với giá trị vốn hóa đạt hơn 84.897 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch ở mức 185 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị là 3.797 tỉ đồng.

13/17 cổ phiếu tăng giá, vốn hóa thị trường các ngân hàng tăng thêm 32.890 tỉ đồng

Kết thúc tuần ngày giao dịch vừa qua (15/7 - 19/7), giá trị vốn hóa của 17 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt hơn 840.897 tỉ đồng, tăng 32.890 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 12/7), tương ứng với mức tăng 4,1%.

Kết thúc ngày 19/7, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với 293.001 tỉ đồng, tăng 19.657 tỉ đồng. Như vậy, trong 32.890 tỉ đồng vốn hóa tăng thêm của ngành ngân hàng thì Vietcombank đóng góp tới 60%.

Xếp sau Vietcombank về giá trị vốn hóa lần lượt là BIDV với 119.313 tỉ đồng (tăng 5.128 tỉ đồng); VietinBank với 81.356 tỉ đồng (tăng 1.489 tỉ đồng)….

Kienlongbank và NCB đang là hai ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 3.302 tỉ đồng và 2.438 tỉ đồng.


Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB đứng đầu về mức tăng giá; MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch  - Ảnh 1.

Diễn biến vốn hóa cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

VCB đứng đầu về mức tăng giá, MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch

Trong tuần qua, có 13/17 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, cổ phiếu VCB tăng mạnh nhất (7,2%), các cổ phiếu có mức tăng mạnh tiếp sau là VIB tăng 6,2%; BID tăng 4,5%; MBB tăng 4%; ACB tăng 3,7%; SHB tăng 3%; STB tăng 2,6%; TCB tăng 2,4% và CTG tăng 1,9%, NVB tăng 1,3%, HDB tăng 1%, EIB và BAB cùng tăng 0,5%.

3 trong số 17 mã giảm giá bao gồm LPB giảm 2,5%, VPB giảm 0,5%; TPB giảm 0,4%. Trong khi, KLB là cổ phiếu duy nhất đứng giá trong tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB đứng đầu về mức tăng giá; MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch  - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (Nguồn: PV tổng hợp)

Xét về thanh khoản, tuần qua có tổng cộng gần 185 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị 3.797 tỉ đồng, tăng 21,7% về khối lượng và 19,6% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, MBB là mã có giá trị giao dịch lớn nhất với hơn 568 tỉ đồng, tương ứng 25,9 triệu cp được trao tay. Xếp tiếp sau là VCB với hơn 502 tỉ đồng, VietinBank (492 tỉ đồng), VPBank (317 tỉ đồng), BID (307 tỉ đồng).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB đứng đầu về mức tăng giá; MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch  - Ảnh 3.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: PV tổng hợp)

BAB, NVB khối lượng giao dịch tăng đột biến

Tuần qua có 13/17 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết có khối lượng giao dịch tăng gồm BAB, NVB, LPB, STB, MBB, SHB, BID, TPB, VCB, VIB, CTG, ACB, TCB. Trong đó, BAB tăng mạnh nhất với hơn 1 triệu cp được giao dịch, gấp gần 38 lần lượng giao dịch trong tuần trước.

NVB cũng là cổ phiếu có lượng giao dịch đột biến trong tuần qua với hơn 7,9 triệu cp được trao tay, gấp hơn 7 lần lượng giao dịch tuần trước.

Các cổ phiếu có lượng giao dịch tăng mạnh trong tuần gồm LPB (tăng 113,7%), STB (tăng 83,7%), MBB (tăng 67,6%), SHB (tăng 67,5%), BID (tăng 60,7%), TPBank (tăng 55,8%) và VCB (tăng 33%)…

Ở phía ngược lại, EIB là mã có lượng giao dịch giảm mạnh nhất với khoảng chỉ 2,15 triệu cp được trao tay, giảm 89%. Ngoài ra, HDB, VPB và KLB là những mã thanh khoản giảm trong tuần.

Trong gần 185 triệu cp ngân hàng được giao dịch tuần qua có hơn 154,5 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch 3.298 tỉ đồng; có 30,4 triệu cp được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 499 tỉ đồng.

Các mã có lượng giao dịch khớp lệnh lớn trong tuần gồm MBB với hơn 25,6 triệu cp; STB với 22,9 triệu cp, CTG với 21,1 triệu cp; SHB với 17,8 triệu cp và TCB hơn 14 triệu cp.

Những mã có lượng giao dịch thỏa thuận lớn gồm NVB (6,3 triệu cp) VPB (6 triệu cp), SHB (5,2 triệu cổ phiếu) và TCB (gần 4 triệu cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB đứng đầu về mức tăng giá; MBB dẫn đầu về khối lượng giao dịch  - Ảnh 4.

Thay đổi khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (đơn vị: cổ phiếu. Nguồn: PV tổng hợp)

Các sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà tử vong trong trại tạm giam

Ngày 18/7, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV - đã tử vong trong trại tạm giam sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Trần Bắc Hà bị tạm giam ở trại quân đội tại Sóc Sơn và được xác định tử vong với nguyên nhân được cho là bị bệnh.

Reuters: MBBank sẽ bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay

Chia sẻ với Reuters,Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết MBBank sẽ phát hành khoảng 123 triệu cổ phiếu mới và sử dụng 38,9 triệu cổ phiếu quĩ để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.

MBBank sẽ bán cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài và không nhất thiết phải là nhà đầu tư chiến lược.

ACB chốt danh sách cổ đông chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu vào ngày 26/7

ACB sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/7 để phát hành mới hơn 374 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức, tương ứng với tỉ lệ chia 30%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên mức 16.627 tỉ đồng.

Giao dịch cổ phiếu VCB của cổ đông nội bộ

Trong tuần qua, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đăng kí bán 37.000 cổ phiếu VCB theo phương thức khớp lệnh trên sàn HOSE trong thời gian từ ngày 18/7 đến ngày 31/7/2019.

Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Phương, vợ ông Phạm Mạnh Thắng cũng đăng kí bán ra 21.000 cổ phiếu VCB theo phương pháp khớp lệnh từ ngày 22/7 - 31/7.

Hoạt động giao dịch cổ phiếu VCB của ông Thắng và vợ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng này liên tục tăng giá trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Tính từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu VCB đã tăng khoảng 47%, gấp hơn 4 lần mức tăng chung của chỉ số VN – Index.

TPBank, MBBank công bố báo cáo tài chính bán niên

Trong tuần MBBank đã công bố báo cáo tài chính bán niên với lợi nhuận trước thuế đạt 4.875 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kì năm trước.

Với tăng trưởng mạnh ở các mảng kinh doanh chính, MBBank đã thực hiện được 49,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm (9.900 tỉ đồng), đồng thời kéo tỉ lệ nợ xấu giảm về 1,26%.

Tại TPBank, lũy kế 6 đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 1.620 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kì 2018. Hoạt động cho vay và hoạt động dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của TPBank trong 2 quí đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng cũng có xu hướng tăng mạnh, qua đó kéo tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên mức 1,5%.

Quốc Thụy